Grab và Go-jek gần đây đã có những động thái mở rộng lĩnh vực kinh doanh, với mục tiêu trở thành “siêu ứng dụng” ở thị trường Việt. |
Từng bước chiếm lĩnh
“Sau gần hai năm là đối tác của Grab, tôi bắt đầu từ việc chạy xe máy, giao đồ và nay kiêm cả giao thức ăn. Với tôi, thêm một dịch vụ là thêm một công việc, lượng khách gọi phát triển theo cấp số nhân, bởi đây là những dịch vụ của đời sống hàng ngày, rất tiện ích và phù hợp với nếp sống hiện đại”, anh Trần Khoa tài xế ở Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ tại sự kiện Grab chính thức triển khai dịch vụ giao thức ăn do GrabFood vừa tổ chức tại Hà Nội.
Sự kiện triển khai dịch vụ giao thức ăn do GrabFood tổ chức cũng chính đánh dấu bước mở rộng lĩnh vực kinh doanh tiếp theo của Grab, sau khi đã “chinh phục” các lĩnh vực, như: giao nhận hàng hoá, nạp thẻ điện thoại, thanh toán điện tử... trong chiến lược từng bước trở thành "siêu ứng dụng".
Tại thị trường Việt Nam, thời gian qua Grab ưu tiên số một cho mục tiêu tự thân mở rộng các lĩnh vực để hoàn thiện ứng dụng, song bên cạnh đó, Grab rất quan tâm cộng tác với các đối tác là người Việt để tận dụng các lợi thế của các bên.
Đơn cử như việc “bắt tay” giữa Grab và Moca được thực hiện vào tháng 9 vừa qua. Theo đó với lợi thế sẵn có của từng bên thì sau cuộc bắt tay tác chiến lược này cả Grab và Moca càng có thêm cơ hội mở rộng các dịch vụ thanh toán một cách hiệu quả và nhanh chóng trên khắp Việt Nam.
Nhanh nhạy không kém, một ứng dụng gọi xe tỷ USD “có tiếng” của Đông Nam Á là Go-jek cũng đã bắt đầu những động thái xâm nhập thị trường siêu ứng dụng của Việt Nam. Tương tự như Grab, Go-jek cũng bước vào thị trường Việt bằng nội lực của mình là ứng dụng gọi xe với mô hình sử dụng người sáng lập tại Việt Nam trực tiếp điều hành từng doanh nghiệp một cách độc lập, cộng thêm sự hỗ trợ của các đối tác địa phương và công ty mẹ từ Indonesia.
Và kết quả thật ấn tượng, chỉ hơn một tháng có mặt tại Việt Nam, Go-Viet đã có 1,5 triệu lượt tải ứng dụng và đạt 35% thị phần xe ôm công nghệ tại thành phố đông dân nhất Việt Nam là Tp. Hồ Chí Minh. Vừa qua, ứng dụng này cũng đã mở rộng ra Hà Nội và nhận được nhiều hiệu ứng tích cực.
Ông Nguyễn Vũ Đức, CEO của Go-Viet, cho biết: Quan hệ đối tác giữa Go-Jek và Go-Viet đặc biệt mật thiết trên các lĩnh vực, như: công nghệ và nguồn lực tài chính. Sau khi ra mắt dịch vụ xe ôm công nghệ ở Hà Nội thì tiếp theo, trong khoảng bốn tháng tới, Go-Viet sẽ triển khai thêm 4 dịch vụ lõi của doanh nghiệp, là: GoCar, GoBike, GoFood và GoPay tại Việt Nam và trực tiếp cạnh tranh với Grab.
Và những cuộc cạnh tranh “khốc liệt”
Trên thế giới, cái tên “siêu ứng dụng” không phải là ý tưởng mới bởi đã có nhiều nhà đầu tư đã thành công trong lĩnh vực nào. Nhưng tiên phong và thành công hàng đầu thế giới không thể không nhắc đến cái tên Tencent, với sản phẩm WeChat. Năm ngoái, doanh thu của Tencent đạt gần 35 tỷ USD, tăng 56% so với 2016. Kết quả đó cho thấy, thị trường siêu ứng dụng đang là “chiếc bánh” khổng lồ mà các hãng công nghệ hàng đầu hướng đến trong thời gian tới.
WeChat hiện đã trở thành ứng dụng “cái gì cũng có”, từ liên lạc đến mua hàng, di chuyển, thanh toán... |
WeChat được ra mắt năm 2011 với diện mạo đầu tiên là ứng dụng nhắn tin, nhưng hiện đã trở thành ứng dụng “cái gì cũng có”, từ liên lạc đến mua hàng, di chuyển, thanh toán... Quý I/2018, ứng dụng có một tỷ người dùng thường xuyên hàng tháng và không ngừng phát triển.
"Người dùng có thể mua sắm, gọi xe, đặt một khách sạn ngay tại đó, trong lúc trò chuyện với bạn bè" - Forbes miêu tả. Trong khi đó, The Economist gọi WeChat là "một ứng dụng thống trị tất cả" và là ngôi nhà mặc định của người Trung Quốc trên smartphone.
Tại Đông Nam Á, Go-Jek cũng từng bước hình thành ứng dụng đa năng thành công nổi bật, cung ứng gần 20 dịch vụ khác nhau tại Indonesia. Năm 2017, Go-Jek mua lại Loket.com, một trong những hệ thống quản lý sự kiện và đặt vé trực tuyến lớn nhất Indonesia; cũng năm này, công ty đã rót tiền mua lại 3 công ty fintech lớn nhất đất nước vạn đảo là Kartuku, Midtrans và Mapan để mở rộng hoạt động thanh toán.
"Chúng tôi đang thấy sức hút to lớn ở tất cả các mảng kinh doanh của mình từ online đến offline và đang gần đến việc có lợi nhuận, ngoài mảng giao thông", CEO Go-jek Nadiem Makarim nói.
Thị trường Việt Nam có những điểm tương đồng với Indonesia như dân số đông, số người dân sử dụng smartphone rất lớn. Ngoài ra, người dùng Việt cũng ưa thích trải nghiệm những sản phẩm, dịch vụ mới, đặc biệt là về công nghệ. Đây chính là “sức hút” khiến Go-jek sang thị trường Việt đầu tiên trong các nước Đông Nam Á để “phổ cập” ứng dụng đa năng của mình.
Để thực hiện kế hoạch của mình tại thị trường nước ngoài trong đó có Việt Nam, Go-jek đang thỏa thuận huy động ít nhất 2 tỷ USD vốn đầu tư nữa để rót cho hoạt động mở rộng. Ông Nguyễn Vũ Đức, Tổng Giám đốc Go-Viet cho hay, trong tầm nhìn trở thành nền tảng đa dịch vụ lớn nhất tại Việt Nam, Go-Viet sẽ từng bước phát triển hệ sinh thái.
Sau khi triển khai thí điểm dịch vụ gọi xe 2 bánh, khoảng 4 tháng tới đây, Go-Viet sẽ phát triển thêm Go-Car (nền tảng gọi xe ô tô), Go-Food (giao đồ ăn) và Go-Pay (ví điện tử). Ngoài ra, Go-Viet còn đang xem xét loạt dịch vụ khác như gọi phục vụ làm đẹp tại nhà, gọi nhân viên massage, đi chợ hộ, dọn nhà… dưới những tên gọi như Go-Box, Go-Tix, Go-Med, Go-Massage - những dịch vụ đang được công ty mẹ Go-Jek cung cấp tại ở Indonesia thông qua ứng dụng Go-Jek trên smartphone.
So găng với Go-jek tại thị trường Việt, sau khi "siêu ứng dụng" đã vận hành tại Singapore và Indonesia, Grab đẩy nhanh việc cung ứng trọn gói dịch vụ cho người dùng từ giao nhận hàng hoá, nạp thẻ điện thoại, thanh toán điện tử và mới đây là GrabFood.
Bà Tan Hooi Ling, đồng sáng lập Grab cho biết, sau thương vụ mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, và tiến sâu vào lĩnh vực kinh doanh mới như: triển khai GrabFood, Grab Financial và Grab Ventures, cuối năm 2018 , doanh thu của Grab sẽ cán mốc 1 tỷ USD, kế hoạch của hãng sẽ tăng gấp đôi, đạt con số 2 tỷ USD vào cuối năm 2019.
Các ứng dụng công nghệ Việt cũng có bước đầu định hướng kinh doanh vào thị trường siêu ứng dụng. |
Ngoài hai “ông lớn” trên, gần đây các ứng dụng công nghệ Việt cũng bước đầu định hướng kinh doanh theo xu hướng này như Zalo, Now,... Tiêu biểu là Zalo, vừa qua đã tung ra bản thử nghiệm cho một nhóm người dùng với các dịch vụ mới, như: gọi taxi, gọi đồ ăn... Trước đó, ứng dụng nhắn tin này cũng đã có tích hợp thương mại điện tử và các tính năng tra cứu thời tiết, cửa hàng ăn uống, đặt lịch khám, thanh toán hóa đơn điện nước và các dịch vụ liên quan chính phủ điện tử.
Như vậy, cuộc đua chiến lĩnh thị trường siệu ứng dụng Việt chắc chắn sẽ khốc liệt hơn và cũng qua đó, người dùng được trải nghiệm nhiều ứng dụng ngày càng tiện ích hơn.