Ông Yoan Guyon, Giám đốc thương mại (CCO) của GreenYellow chia sẻ với Báo Đầu tư về chiến lược Net Zero của công ty.
Ông Yoan Guyon, Giám đốc thương mại (CCO) của GreenYellow |
Xin ông chia sẻ về lộ trình thực hiện Net Zero của GreenYellow để đóng góp vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu?
GreenYellow cam kết hỗ trợ doanh nghiệp đạt mục tiêu Net Zero với những giải pháp năng lượng bền vững. Để hiện thực hóa cam kết này, GreenYellow đã xây dựng lộ trình thực hiện Net Zero toàn diện tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Công ty thực hiện nhiều đợt kiểm toán năng lượng để xác định vấn đề cần cải thiện cũng như các biện pháp tiết kiệm năng lượng tiềm năng.
Chúng tôi sẽ phân tích mô hình tiêu thụ năng lượng hiện tại của khách hàng, xác định những điểm kém hiệu quả, và đề xuất giải pháp phù hợp để tối ưu hóa sử dụng năng lượng. Đặc biệt, với cách tiếp cận này, GreenYellow sẽ tích hợp hệ thống năng lượng mặt trời để sản xuất điện sạch và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Chiến lược này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm phát thải carbon mà còn giảm chi phí sản xuất trong dài hạn.
Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu. Ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi năng lượng?
Chuyển đổi năng lượng nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài. Do đó, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, kiên trì và tầm nhìn dài hạn.
Đầu tiên, doanh nghiệp cần đặt ra mục tiêu tham vọng nhưng khả thi. Đối với mục tiêu thiếu thực tế, doanh nghiệp sẽ khó lòng đạt được và dễ dàng từ bỏ khi gặp thất bại. Những mục tiêu khả thi sẽ truyền cảm hứng và hy vọng cho doanh nghiệp trong suốt hành trình.
Tiếp theo, doanh nghiệp cần xác định điểm bắt đầu. Một cuộc kiểm toán năng lượng sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá thực trạng và những nỗ lực cần thiết.
Cuối dùng, doanh nghiệp nên thuê đơn vị tư vấn chuyển đổi năng lượng để đề xuất phương pháp tiếp cận toàn diện, xây dựng lộ trình chuyển đổi, kết hợp với giám sát các tiện ích, cải thiện tài sản hiện có và đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Dự án điện mặt trời. |
GreenYellow hiện đang là đơn vị chủ chốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam. Xin ông chia sẻ một số công nghệ và dịch vụ mà GreenYellow đang cung cấp?
GreenYellow là công ty hàng đầu cung cấp một loạt các giải pháp và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Cụ thể, GreenYellow cung cấp giải pháp tối ưu năng lượng thông qua các đợt kiểm toán năng lượng, hệ thống giám sát và các đề xuất phù hợp. Nhờ xác định những điểm cần cải thiện và triển khai biện pháp tiết kiệm năng lượng, các doanh nghiệp có thể cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng và chi phí.
Trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, GreenYellow cung cấp giải pháp quang điện mặt trời, bao gồm thiết kế, lắp đặt và bảo trì hệ thống quang điện mặt trời. Doanh nghiệp có thể sản xuất điện tái tạo tại chỗ, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống và giảm dấu chân carbon.
Ngoài ra, GreenYellow cũng hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS) vào hoạt động sản xuất. Hệ thống giúp lưu trữ năng lượng thừa được tạo ra từ nguồn năng lượng tái tạo hoặc trong thời gian thấp điểm để sử dụng khi nhu cầu tăng cao hoặc khi sản lượng điện mặt trời thấp. Hệ thống này giúp cải thiện quản lý năng lượng, tăng cường ổn định lưới điện và độc lập về năng lượng.
Đồng thời, công ty cũng thực hiện hợp đồng mua bán điện trực tiếp (dPPA) giúp doanh nghiệp mua trực tiếp năng lượng tái tạo từ các nhà sản xuất năng lượng độc lập. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn năng lượng sạch mà không cần đầu tư vào hạ tầng và cơ sở năng lượng tái tạo. dPPA còn góp phần giảm phát thải và hỗ trợ sự phát triển của các dự án năng lượng tái tạo.
GreenYellow đang cung cấp chứng chỉ năng lượng tái tạo (IREC) cho các nhà máy muốn xuất hàng đi châu Âu. Chứng chỉ này sẽ mang lại những lợi thế gì cho doanh nghiệp?
Chứng chỉ IREC mà GreenYellow cung cấp mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Cụ thể, chứng chỉ IREC chứng minh doanh nghiệp đang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất, cho phép doanh nghiệp tiếp cận thị trường và tuân thủ với các quy định về phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Cơ chế Điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM) do EU ban hành bắt đầu có hiệu lực vào tháng 10/2023. Cơ chế nhằm mục đích ngăn chặn rò rỉ carbon bằng cách áp thuế carbon đối với hàng nhập khẩu vào châu Âu từ các quốc gia có chính sách khí hậu ít nghiêm ngặt hơn. Với chứng chỉ IREC, doanh nghiệp có thể chứng minh một phần tiêu thụ năng lượng của họ đến từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Đây cũng là một lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, khẳng định cam kết về năng lượng tái tạo và trách nhiệm với môi trường. Điều này không chỉ góp phần nâng cao danh tiếng của doanh nghiệp, mà còn giúp thu hút khách hàng hoặc đối tác ưu tiên phát triển bền vững.
Việc sở hữu chứng chỉ IREC thể hiện cách tiếp cận chủ động của doanh nghiệp trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đáp ứng mong đợi của khách hàng về các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó góp phần tăng cường lòng trung thành của khách hàng, giá trị thương hiệu và thị phần.