Hado Charm Villas - một dự án bất động sản của Hà Đô tại Hà Nội. |
Nâng sản lượng điện gấp 2,9 lần
Trong các năm gần đây, Hà Đô liên tục mở rộng mảng kinh doanh điện. Cụ thể, năm 2017, công ty này đưa Nhà máy Thủy điện Nậm Phông 30 MW vào hoạt động, năm 2018 là Thủy điện Nhạn Hạc 59 MW, năm 2019 là Điện mặt trời Hồng Phong. Chưa dừng lại ở đó, các mục tiêu sắp tới đối với ngành điện của Hà Đô vẫn rất giàu tham vọng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, ông Chu Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Hà Đô cho biết, Công ty sẽ đưa vào vận hành Thủy điện Sông Tranh 60 MW vào năm 2020. Năm 2021, Thủy điện Đăk Mi 2 147 MW và Điện gió 7A 50 MW cũng được trình làng và đưa vào hoạt động. Như vậy, công suất phát điện của Hà Đô tăng 2,4 lần vào năm 2021, sản lượng và doanh thu tăng 2,9 lần vào năm 2022.
Động thái đầu tư của Hà Đô cho thấy, công ty này đã đổ không ít tiền cho cuộc phiêu lưu với ngành điện. Cụ thể, riêng trong năm 2019, Công ty đã đầu tư 1.100 tỷ đồng cho Điện mặt trời Hồng Phong 4. Trước đó, Thủy điện Sông Tranh được đầu tư từ năm 2017 và đến hết năm 2019 đã tiêu tốn số tiền lên đến 1.200 tỷ đồng. Theo ước tính của Hà Đô, từ nay đến thời điểm phát điện thương mại (dự kiến khoảng tháng 8/2020), Công ty cần phải rót thêm khoảng 450 tỷ đồng nữa cho Thủy điện Sông Tranh.
Tuy nhiên, tiền tiêu cho Sông Tranh hay Hồng Phong 4 cũng chưa thấm vào đâu so với một đại dự án thủy điện khác mà Hà Đô đang theo đuổi. Dự án Thủy điện Đắk Mi 2 có tổng mức đầu tư tới 3.500 tỷ đồng, đã được Hà Đô thực hiện 60% khối lượng công việc và sẽ đưa vào vận hành cuối quý I/2021.
Ngoài ra, một số khoản đầu tư khác vẫn còn là ẩn số, như kế hoạch mua lại Công ty TNHH Năng lượng Surya Pracash Việt Nam. Tập đoàn Hà Đô cho biết, thương vụ vẫn đang trong quá trình mua lại dự án, nhưng do yêu cầu bảo mật của hợp đồng, chi tiết về thương vụ không được công bố cho đến khi hoàn tất giao dịch, nên hiện chưa có thông tin cụ thể về giá trị đầu tư. Tuy nhiên, đại diện Công ty cũng hé lộ chút ít, khi cho biết, dự án này có quy mô tương đương Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4.
Cân đong với bất động sản
Việc một doanh nghiệp bất động sản như Hà Đô đang mải miết theo đuổi các dự án điện đặt ra băn khoăn rằng, ngành điện có gì hấp dẫn hơn so với bất động sản để thu hút công ty này như vậy?
Ông Chu Tuấn Anh cho biết, biên lợi nhuận gộp (chưa trừ chi phí tài chính, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp) của bất động sản là 43%, còn của năng lượng là 61%. Tuy nhiên, con số này cũng không thể nói ngành nào hiệu quả hơn, bởi cấu trúc chi phí của mỗi hoạt động không giống nhau. “Lý do chúng tôi đầu tư vào ngành điện là sự ổn định của dòng tiền và doanh thu, lợi nhuận có tính bền vững, dài hạn”, ông Tuấn Anh giải thích.
Như vậy, với biên lợi nhuận gộp lên tới 61%, bức tranh kinh doanh của Hà Đô trong năm 2020 và các năm tiếp theo mở ra nhiều tia hy vọng mới, khi các dự án mới như Thủy điện Sông Tranh, Thủy điện Đắk Mi 2… đi vào hoạt động. Theo kế hoạch kinh doanh 2020 được Hà Đô đặt ra tại Hội nghị tổng kết 2019, tham vọng của Công ty không hề nhỏ, với giá trị đầu tư 6.457 tỷ đồng, tăng trưởng 118%, kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 6.244 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.244 tỷ đồng.
Đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng doanh thu
Trong năm 2019, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn Hà Đô đạt 4.326,8 tỷ đồng, tăng 34,3% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 1.026,2 tỷ đồng, tăng 30,3% so với năm 2018. Nếu hiện thực được mục tiêu kinh doanh năm 2020, thì tốc độ tăng doanh thu và lợi nhuận của Hà Đô trong năm nay cũng không hề nhỏ so với những gì đạt được trong năm 2019.