Đầu tư
Hà Nam hướng tới phát triển công nghiệp công nghệ cao
Thanh Huyền - 23/01/2022 20:24
Công nghiệp - xây dựng đang được Hà Nam coi là trụ cột quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
KCN Đồng Văn I, Hà Nam

Theo Dự thảo quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Hà Nam dự kiến giai đoạn 2011 - 2020, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 10,6%/năm, cao hơn mức trung bình của vùng đồng bằng sông Hồng (8,6%/năm) và cả nước (6%năm).

Nhờ đó, quy mô và tiềm lực của kinh tế của tỉnh ngày càng được mở rộng. Cụ thể, quy mô GRDP của tỉnh đã tăng từ 13.850 tỷ đồng (giá hiện hành) năm 2010 lên hơn 60.000 tỷ đồng năm 2020.

Cơ cấu kinh tế của Hà Nam chuyển dịch theo xu hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Theo đó, ngành công nghiệp - xây dựng đã tăng từ 42,6% năm 2010 lên 64,0% năm 2020, trong khi tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 22,9% năm 2010 xuống 9,7% năm 2020 và ngành dịch vụ giảm từ 34,6% năm 2010 xuống 26,4% năm 2020.

Dự báo giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng GRDP bình quân toàn tỉnh đạt trên 11,3%/năm và Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng sẽ chiếm trên 65,2% và chiếm 69,4% vào năm 2030, trong khi ngành dịch vụ không có nhiều biến động, ngành nông nghiệp tiếp tục giảm.

Ông Nguyễn Anh Chức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, đối với ngành công nghiệp phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên như xi măng, gạch nung, ngói nung, khai thác khoáng sản thô, tỉnh duy trì quy hoạch phát triển hiện tại và cắt giảm định hướng mở rộng trong tương lai. “Đây là công nghiệp có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, nhất là các tác động tiêu cực đến phát triển du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên”, ông Chức nói.

Trong khi đó, trong giai đoạn đến năm 2030, tỉnh sẽ tăng cường thu hút nhà đầu tư vào các ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp, nông nghiệp. Đây là các ngành tận dụng được nền tảng, trình độ phát triển công nghiệp hiện có của tỉnh và tiềm năng của Hà Nam là dân cư đông và trình độ lao động ở mức trung bình, có thể tăng cường đào tạo nghề để sớm nâng cao trình độ chuyên môn của lao động.

Đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật cao hơn như các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học và dược phẩm, Hà Nam sẽ chủ động, tích cực chuẩn bị hạ tầng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao hiện đại, đồng bộ, đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao và quảng bá tới các nhà đầu tư lớn về cơ hội và các ưu đãi tại Hà Nam.

Ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có, Hà Nam dự kiến thành lập mới 14 khu công nghiệp với quy mô tổng diện tích khoảng 3.465 ha, thành lập mới 14 cụm công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 805 ha.

Góp ý vào Dự thảo quy hoạch, TS. Phạm Văn Liêm, chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp cho rằng, Hà Nam có thể đề ra mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp của vùng.

“Tài nguyên, khoáng sản là một trong những thế mạnh của Hà Nam, do đó, tỉnh có thể chuyển hướng sang sản phẩm chất lượng cao, áp dụng công nghệ cao hơn”, ông Liêm khuyến nghị.

Về vấn đề phát triển các khu công nghiệp, ông Liêm cho rằng, Hà Nam không cần có thêm nhiều khu công nghiệp, mà có thể xem xét tăng quỹ đất dự phòng cho các khu công nghiệp hiện nay.

Đánh giá cao việc lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, quy hoạch là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay, được các bộ, ngành, địa phương rất coi trọng.

Trong các nhiệm vụ triển khai phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và kế hoạch hằng năm, đa phần đều đang dựa vào các quy hoạch cũ được kéo dài, điều chỉnh. “Quy hoạch cũ chỉ là điều kiện để làm nhiệm vụ đối với các dự án trước mắt, nhưng với các nhiệm vụ lâu dài, tầm nhìn 10 năm và đến năm 2050, cần có quy hoạch bài bản, chính xác hơn, phù hợp hệ thống quốc gia”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Thứ trưởng lưu ý, địa phương cần xác định rõ trụ cột trong cơ cấu kinh tế. “Trong nội dung trình bày, có thể hiểu, trọng tâm mà Hà Nam hướng tới là công nghiệp và dịch vụ, nhưng như vậy không có nghĩa bỏ quên nông nghiệp, xao nhãng các lĩnh vực khác”, Thứ trưởng nói.

Tin liên quan
Tin khác