Đến tham dự gồm Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương; sở, ban, ngành, của tỉnh Hà Nam; huyện Duy Tiên và đông đảo nhân dân…
| ||
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Trần Xuân Lộc đọc văn trình trước linh vị Vua Lê Đại Hành |
Tích Hội từ thời xưa, vua Lê Đại Hành là vị vua khởi xướng việc cầm cày xuống ruộng trong lễ hạ điền đầu năm. Từ đó, lễ xuống đồng được coi như Quốc lễ bởi ý nghĩa nhân văn và tinh thần khuyến khích sản xuất nông nghiệp.
“Một lần vua cầm cày hơn ngàn lần vua xuống chiếu khuyến dụ, một lần vua gần dân hơn ngàn lần vua hô hào cổ vũ”. Đây là lễ hội mở đầu cho một vụ mùa mới, trở thành một sinh hoạt văn hóa quan trọng, một di sản văn hóa tinh thần mà các thế hệ người Việt Nam kế thừa và phát huy.
Chào mừng Lễ hội là màn biểu diễn múa trống của đội trống nữ làng Đọi Tam thể hiện. Tiếng trống da trâu từ muôn đời xưa đã gióng lên cầu nhân khang, vật thịnh, mùa màng bội thu.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng các đại biểu thực hiện nghi lễ dâng hương mở đầu mỹ tục khuyến khích phát triển nông nghiệp mong cho nhà nhà no đủ, đất nước mạnh giàu, quê hương yên bình.
Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam Trần Xuân Lộc đọc văn trình trước linh vị Vua Lê Đại Hành, bày tỏ lòng tôn kính trước đấng minh quân.
Cũng tại buổi lễ, UBND tỉnh đã trao Bằng công nhận 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Thi Sơn, huyện Kim Bảng; Đọi Sơn, huyện Duy Tiên; Nhân Bình, huyện Lý Nhân; Vũ Bản,huyện Bình Lục; Thanh Hà, Thanh Thuỷ huyện Thanh Liêm) và trao tặng Cờ thi đua cho 6 tập thể tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.
| ||
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Mai Tiến Dũng mở những đường cày đầu tiên của năm mới |
Sau phần khen thưởng, một cụ già đức cao, vọng trọng được chọn lên nhập linh khí Vua Lê Đại Hành, khoác long bào dắt trâu cày những sá đầu tiên. Tiếp theo những đường cày đầu tiên là Bí thư Tỉnh ủy, Trần Xuân Lộc; Chủ tịch UBND tỉnh Mai Tiến Dũng cùng các lãnh đạo ban, ngành của tỉnh Hà Nam đã chính thức mở đường cày, gieo những hạt mầm đầu tiên mở đầu một năm mùa màng tốt tươi, bội thu, nhân khang vật thịnh. Sau đó, tiếp tục thực hiện nghi thức cày tịch điền.
Lễ Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nó thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp và cần phát huy truyền thống thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương Việt Nam nói chung và Hà Nam nói riêng.
Mạnh Tùng