Ngày 7/9/2016 tới đây, tại Trụ sở Bộ Công thương sẽ diễn ra phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường theo cam kết với tổ chức WTO.
Phiên đấu giá này sẽ tìm ra doanh nghiêp trúng thầu nhập khẩu quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 40.000 tấn đường thô và quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 45.000 tấn đường tinh luyện để phục vụ sản xuất trong nước.
Nhu cầu về đường của các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu và thị trường dịp cuối năm rất cao, do đó, việc nhập khẩu sẽ góp phần đáp ứng đầy đủ quan hệ cung – cầu. |
Bộ Công thương cho hay, giá bán đường trong nước bị đẩy lên cao, cùng tình trạng "găm" hàng chờ giá buộc Bộ này tính tới phương án triển khai đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường để bù lượng đường thiếu hụt, hạ nhiệt giá bán trong nước.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, tổng nguồn cung giảm khoảng 200.000 tấn do sản lượng mía giảm khoảng 10%, trong khi nhu cầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tăng khoảng 100.000 tấn. Không chỉ giảm sản lượng, chất lượng mía cũng giảm rõ rệt. Cụ thể, trữ đường bình quân của mía đưa vào nhà máy chế biến chỉ đạt 9,64 trị số đường (CCS), thấp hơn vụ trước gần 0,56 CCS.
Đại diện Tổng công ty Mía đường 1 (Hà Nội) cho biết, nhu cầu về đường của các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu và thị trường dịp cuối năm rất cao, do đó, việc nhập khẩu sẽ góp phần đáp ứng đầy đủ quan hệ cung – cầu.
Trên thực tế, tình trạng thiếu hụt nguồn cung và găm hàng mặt hàng đường đã tác động đến giá bán đường trên thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận, từ đầu năm 2016, giá đường liên tục tăng cao, đặc biệt từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 4, tổng mức tăng khoảng 10-15% so với đầu vụ và tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá bán buôn đường kính trắng và đường tinh luyện tiếp tục tăng mạnh, đường kính trắng ở miền Trung giá tăng nhiều nhất 1.400 đ/kg, TP.HCM tăng 1.000 – 1.200 đ/kg và miền Bắc tăng 500 – 1.000 đ/kg. Đối với đường tinh luyện, TP.HCM có mức tăng nhiều nhất khoảng 1.200 đ/kg, miền Bắc khoảng 700 đ/kg.
Tình hình thời tiết khô hạn, xâm nhập mặn, việc chuyển đổi từ trồng mía sang các loại cây khác tại một số địa phương và hiện tượng găm hàng của một số công ty thương mại, nhà máy… là nguyên nhân khiến giá đường trong nước bị đẩy lên cao.
Bộ Công thương cho biết thêm, không chỉ đường nguyên liệu bán cho các doanh nghiệp sản xuất tăng giá, theo báo cáo của một số địa phương, giá đường bán lẻ bắt đầu tăng. Một số địa phương như Cần Thơ giá đường bán lẻ dao động ở mức 22.000 đ/kg, một số siêu thị tại Hà Nội, TP.HCM giá bán là 21.000 đ/kg, còn một số địa phương khác giá dao động quanh mức 18.000-21.000 đ/kg.
Ông Doanh cũng cho biết, có thời điểm, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mua đường với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu sản xuất. “Thậm chí, một số doanh nghiệp đã bị hủy hợp đồng đã ký từ đầu năm do các công ty thương mại không giao đường, với lý do không lấy được đường từ nhà máy. Qua phản ánh của các công ty sử dụng đường và các nhà máy sản xuất đường, có hiện tượng “găm hàng” tại một số doanh nghiệp thương mại kinh doanh”, đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam nói.
Vẫn theo quan điểm của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, việc triển khai nhập khẩu 85.000 tấn đường theo cam kết WTO sẽ hạn chế đầu cơ và bình ổn được thị trường trong nước. Nếu lượng đường này được nhập khẩu thì có thể không xảy ra tình trạng thiếu đường để phải nhập thêm đường bổ sung, bởi theo quy định, đối tượng tham gia đấu giá nhập khẩu đường là thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất hoặc sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện. Sau khi trúng đấu giá, không được mua bán, trao đổi, chuyển nhượng… nên sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ.