Đầu tư và cuộc sống
Hà Nội: Đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng thêm trường lớp
Phương Linh - 18/07/2023 18:50
Hà Nội cần rà soát, đánh giá quy hoạch cơ sở giáo dục; xem xét, điều chỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu người học, tăng cường đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục công lập, khuyến khích phát triển hệ thống trường học chất lượng cao

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, thực trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ cho con gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận. Áp lực đối với học sinh thi vào lớp 10 ở Thành phố Hà Nội và TP.HCM vẫn là vấn đề nóng trong nhiều năm, khó hơn thi vào đại học.

Do đó, bà Lê Thị Nga đề nghị Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội vào cuộc vấn đề này để làm rõ xem có tình trạng thiếu trầm trọng trường THPT công lập hay không và giải pháp để giải quyết vấn đề này như thế nào.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông” đã được tổng hợp tương đối đầy đủ.

Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, Thành phố cũng cần đổi mới các trang thiết bị dạy học phù hợp cho học sinh.

Theo bà Lê Thị Nga, hiện nay tỷ lệ trường THPT bao giờ cũng thấp hơn tỷ lệ trường THCS, việc này được giải quyết bằng cơ chế phân luồng điểm thi vào lớp 10. Tuy nhiên, nhu cầu của phụ huynh và học sinh mong muốn được vào THPT công lập bởi chi phí trường công lập thấp hơn rất nhiều so với trường tư thục. Đây là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và phải nguyên cứu để giải quyết.

Đáng nói, Hà Nội là địa phương hằng năm đầu tư rất lớn cho phát triển trường lớp, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, song song với việc đầu tư xây dựng mới trường lớp thì còn phải nâng cấp, sửa chữa, từ đó kinh phí đầu tư bị san sẻ khiến cho phần đầu tư mới chưa tương xứng với nguồn lực. 

Bên cạnh đó, cần phải có quỹ đất để đầu tư xây dựng trường học, đây là điều không đơn giản ở đô thị lớn như Hà Nội. Đồng thời, xây dựng trường mới cũng phải quan tâm đến bố trí giáo viên; trong khi biên chế giáo viên bị khống chế, thậm chí phải tinh giản. 

Để khẳng định không chỉ bỏ nhiều tiền ra là có thể đầu tư xây dựng thêm trường học, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng cần phải tính toán cẩn thận, đi kèm với việc phân bố giáo viên. Bởi dân số tăng rất ít, chuyện thừa thiếu trường lớp là do dịch chuyển cục bộ dân cư từ nông thôn ra đô thị. Từ đó xảy ra tình trạng ở nông thôn thì thừa trường học, giáo viên; đô thị lại thiếu trường học, giáo viên. 

Thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để có những nghiên cứu sâu hơn và có những giải pháp hiệu quả hơn đối với vấn đề này.

Song song với đó, Thành phố Hà Nội cần rà soát, đánh giá quy hoạch cơ sở giáo dục trên địa bàn để xem xét, điều chỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu người học, tăng cường đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục công lập, khuyến khích phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế.

Đồng thời, Thành phố bố trí kinh phí để bảo đảm thực hiện tốt chương trình; quan tâm bố trí ngân sách để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học,... bảo đảm đủ điều kiện để triển khai chương trình có hiệu quả.

Tin liên quan
Tin khác