Vỉa hè phố Lê Trọng Tấn được lát đá. Ảnh: Khánh Huy |
Theo khảo sát của Sở Xây dựng, hiện các tuyến phố của Hà Nội được đầu tư, cải tạo qua nhiều giai đoạn, trong đó, vật liệu lát hè phổ biến là gạch Block tự chèn, bó ô trồng cây chủ yếu xây bằng gạch không trát. Hè đường nhiều tuyến phố hiện đã xuống cấp, ảnh hưởng đến việc đi lại và an toàn cho người đi bộ cũng như mỹ quan của Thủ đô.
Riêng những tuyến phố đã được đầu tư, cải tạo dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, vỉa hè đã được lát bằng đá tự nhiên, viên bó ô gốc cây cũng dùng vật liệu này, trong đó điển hình là đường Lê Trọng Tấn, Nguyễn Trãi đã thực sự mang lại bộ mặt khang trang cho Thủ đô.
Trước thực tế này, UBND TP Hà Nội đã có quyết định số 2340/UBND-XDGT về việc thiết kế hạ tầng kỹ thuật bảo đảm trật tự văn minh đô thị nêu rõ, vật liệu lát vỉa hè, bó vỉa trên các tuyến phố của Thủ đô sẽ là vật liệu tự nhiên, kết cấu bền vững, bảo đảm sử dụng 50-70 năm. Vỉa hè phải bảo đảm quy chuẩn, có thiết kế cho người tàn tật.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, sẽ có 12 doanh nghiệp tham gia sản xuất, cung cấp gạch lát vỉa hè thành phố theo đúng quyết định của UBND TP Hà Nội. Như vậy, 936 tuyến phố của 12 quận trên địa bàn thành phố sẽ được lát đá tự nhiên theo đúng những đường phố mẫu. Để bảo đảm tính đồng bộ, 12 đơn vị được lựa chọn cung cấp gạch cần có phương án sản xuất, đầu tư phù hợp nhằm bảo đảm chất lượng gạch lát vỉa hè theo đúng các quy định hiện hành. Theo Sở Xây dựng, vật liệu đá tự nhiên đã được sử dụng lát vỉa hè tại một số quận như: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Giá thành lát đá vỉa hè dưới 500.000 đồng/m2.
Căn cứ vào quyết định 2340/UBND-XDGT, ngoài việc lát vỉa hè thống nhất tại tất cả các tuyến phố bằng vật liệu đá tự nhiên, việc chiếu sáng đô thị sẽ sử dụng đèn LED ánh sáng màu vàng. Việc trồng cây xanh bảo đảm tiêu chuẩn về kích thước, chủng loại và kết cấu các công trình ban công, mái vảy không được vượt chỉ giới đường đỏ, bảo đảm bộ mặt đô thị được cải tạo, chỉnh trang theo hướng văn minh, hiện đại.