Bãi đỗ xe mới đáp ứng được 10% tổng nhu cầu
Theo báo cáo giám sát của Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội, Thủ đô đang triển khai 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở quy mô từ 2ha trở lên, trong đó có 98 dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng; có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chiếm tỷ lệ 63%.
Một số khu đô thị, khu nhà ở được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết nhu cầu về nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Lễ khởi công Dự án xây dựng Nhà, mẫu giáo thuộc Khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh hồi tháng 3/2022. |
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khu đô thị, khu nhà ở sau khi đưa vào khai thác, sử dụng chưa đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định; chưa khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực. Hệ thống chiếu sáng thuộc nhiệm vụ của chủ đầu tư nhưng chưa được hoàn thiện, chưa đồng bộ hoặc hỏng nhưng chậm được sửa chữa.
Nguyên nhân do phần kết nối nằm trong ranh giới các dự án khác chưa đầu tư xây dựng, chủ đầu tư dự án khu nhà ở và khu đô thị thường xử lý kết nối tạm hoặc chuyển kết nối hướng khác. Hoặc hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng các khu đô thị đã triển khai xây dựng.
Việc chưa đồng bộ, chưa khớp nối đồng bộ, dẫn đến tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn thường xuyên xảy ra, như khu vực Lê Trọng Tấn, Hòa Lạc...
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư khu đô thị chậm bàn giao các công trình hạ tầng kỹ thuật, gây ra những bất tiện khi người dân chuyển đến sinh sống.
Các dự án khu đô thị, khu nhà ở thường được xây dựng kéo dài, chủ đầu tư ưu tiên đầu tư xây dựng các hạng mục nhà ở trước để kinh doanh, trong khi đó hệ thống hạ tầng xã hội thường được đầu tư xây dựng sau hoặc chuyển giao cho các đơn vị cấp 2.
Đối với 168 dự án khu đô thị, khu nhà ở chưa hoàn thành (dự án đã được giao đất, đã giải phóng mặt bằng đang triển khai đầu tư xây dựng), do chậm triển khai dẫn đến chưa hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Đáng nói là hệ thống hạ tầng kỹ thuật chỉ được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đã giải phóng mặt bằng, chưa hoàn chỉnh chỉ kết nối một phần với hạ tầng chung của khu vực.
Bên cạnh đó, nhiều khu đô thị, khu nhà ở chậm đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, vệ sinh môi trường không bảo đảm; thiếu vườn hoa, cây xanh, trường học, công trình thể thao, dịch vụ công cộng… Các dự án chậm triển khai, chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch dự án được phê duyệt.
Đặc biệt, thiếu bãi đỗ xe là thực trạng rất phổ biến không chỉ ở các tuyến phố cũ, việc các dự án quy hoạch bãi đỗ xe tại những khu chung cư, đô thị mới xây dựng cũng đang đình trệ, mới đáp ứng chỗ đỗ cho khoảng 10% tổng nhu cầu đỗ xe...
Bên cạnh đó, nhiều dự án công viên, vườn hoa còn đang bị bỏ hoang nhiều năm, tiêu biểu như dự án Công viên Thiên văn học ở Khu đô thị mới Dương Nội, Hà Đông.
Đẩy nhanh các dự án, công trình hạ tầng xã hội thiết yếu
Để nhanh chóng giải quyết các vấn đề tồn tại về hạ tầng đô thị, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, thống kê, tổng hợp các dự án thành phần, hạng mục chưa được thực hiện, chậm triển khai làm cơ sở dữ liệu để theo dõi, quản lý, tổ chức thực hiện và công khai tiến trình thực hiện để cử tri, nhân dân giám sát.
UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan kịp thời tháo gỡ hiệu quả các khó khăn, vướng mắc; tạo mọi điều kiện để đẩy nhanh tiến độ các dự án thành phần như điều chỉnh quy hoạch, chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, kết nối đầu tư hạ tầng.
Đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, năng lực kém, kiên quyết thu hồi để tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư khác theo quy định và nghiên cứu công khai thông tin, đưa vào tiêu chí để không cho tham gia thực hiện các dự án tương tự trên địa bàn Thành phố.
Mặt khác, theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, UBND Thành phố, cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan sẽ quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh các dự án, công trình hạ tầng xã hội thiết yếu chậm triển khai, đặc biệt là các dự án trường học, bãi đỗ xe... để đồng bộ theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu dân sinh bức thiết.
Liên quan đến các công viên trên địa bàn, trong năm 2023, Thành phố sẽ làm sống lại các công viên của Hà Nội bằng cách tìm mô hình, kêu gọi đầu tư xây dựng cải tạo hệ thống công viên cây xanh để người được hưởng lợi.