Đầu tư và cuộc sống
Hà Nội đề xuất ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC&CNCH
Minh Hạnh - 01/07/2024 17:41
UBND TP. Hà Nội đề xuất ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

Ngày 1/7, tại kỳ họp 17 HĐND TP. Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã trình bày Tờ trình của UBND TP. Hà Nội về việc xem xét, thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP. Hà Nội trình bày Tờ trình.

5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm 

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch khung, thành lập Tổ soạn thảo, nhiều lần lấy ý kiến các sở ngành, các quận, huyện, thị xã, các chuyên gia trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. UBND TP. đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, ý kiến thẩm tra của Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội, Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội… để chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án.

Đề án đưa ra dự báo tình hình và 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất, tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành, địa phương từ cấp TP đến cấp cơ sở trong công tác PCCC&CNCH.

Nhóm giải pháp thứ hai, làm tốt công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan PCCC&CNCH, với 2 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đối với các khu dân cư và công trình vi phạm PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Nhóm giải pháp thứ ba là xây dựng và phát triển toàn diện hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, với 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gồm: kiện toàn, thành lập bổ sung các Đội, phân Đội Cảnh sát PCCC&CNCH; quy hoạch bổ sung địa điểm làm việc, doanh trại cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH TP; tăng cường quân số, biên chế và tiếp tục đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH.

Nhóm giải pháp thứ tư là đầu tư phát triển hạ tầng PCCC&CNCH với 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gồm: hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp nước, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ PCCC.

Nhóm giải pháp thứ năm, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC tại chỗ với 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gắn với các lực lượng dân phòng, lực lượng cơ sở, lực lượng chuyên ngành, lực lượng tình nguyện tham gia hoạt động PCCC&CNCH.

Bên cạnh 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nêu trên, dự thảo Đề án cũng đề ra 5 nhiệm vụ định kỳ, thường xuyên như tham mưu hoàn thiện thể chế trong việc thực hiện công tác PCCC&CNCH của TP. Hà Nội; nâng cao nhận thức, ý thức trong công tác PCCC&CNCH; nâng cao hiệu lực, hiệu quả và năng lực của các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng “công nghệ số” trong công tác quản lý Nhà nước và tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về PCCC&CNCH.

Đề án đưa ra dự báo tình hình và 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

Xử lý dứt điểm các công trình không đảm bảo an toàn PCCC 

Cũng theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, lộ trình và tổ chức thực hiện Đề án chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn từ nay đến hết năm 2025, UBND TP. Hà Nội ban hành kế hoạch cụ thể, chi tiết để phổ biến, quán triệt, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện; đồng thời tập trung triển khai ngay các giải pháp cấp bách nâng cao nhận thức, ý thức về PCCC&CNCH của quần chúng Nhân dân.

Đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC&CNCH cơ sở, đảm bảo quy trình “4 tại chỗ”; vận động các gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh phải tự trang bị phương tiện PCCC&CNCH; khắc phục những tồn tại, triển khai các giải pháp trước mắt để bảo đảm an toàn cho các công trình, cơ sở có nguy cơ cao về cháy nổ như chung cư mini, nhà trọ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; bổ sung các giải pháp tăng cường nguồn nước phục vụ chữa cháy ở các khu dân cư có nguy cơ cháy cao, các ngõ sâu, ngõ nhỏ có chiều dài hơn 200 m…

Giai đoạn năm 2026 - 2030, thực hiện nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án đã được phân công cụ thể trong giai đoạn như tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật về PCCC&CNCH; vận động 100% nhà ở riêng lẻ trang bị thiết bị báo cháy, khuyến khích trang bị hệ thống báo cháy tự động.

Bên cạnh đó, xử lý dứt điểm các công trình không đảm bảo an toàn PCCC đã đưa vào hoạt động; 100% các ngõ nhỏ, ngõ sâu sẽ được rà soát, đầu tư, bổ sung họng nước phục vụ chữa cháy; tiếp tục đề xuất, bổ sung các dự án, gói dự án mua sắm các trang thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH; tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát PCCC cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tinh thông pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và CNCH.

Về kinh phí thực hiện Đề án, theo tờ trình, kinh phí đã tích hợp các nội dung, nhiệm vụ mà TP đã và đang triển khai. Sau khi ban hành Đề án, quá trình thực hiện, căn cứ vào từng giai đoạn, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công chủ động lập dự án, gói dự án, kinh phí thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội; đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC&CNCH 

Trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình của UBND TP. Hà Nội, Trưởng Ban Pháp HĐND TP. Hà Nội Duy Hoàng Dương cho biết, Hà Nội hiện có 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó, có 8.261 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; 1 cảng hàng không quốc tế, 8 cảng sông, 10 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và trên 500 khu dân cư, làng nghề có nguy cơ cháy, nổ cao.

Trong khi đó, điều kiện hạ tầng, giao thông, nguồn nước liên quan phục vụ chữa cháy, CNCH chưa đồng bộ để đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội; nhận thức, ý thức trong công tác PCCC, CNCH của một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương (nhất là cấp phường, xã), người đứng đầu cơ sở và người dân chưa cao. Vì vậy, trong những năm qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn TP vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.

Bên cạnh đó, tiến độ xử lý đối với các công trình vi phạm PCCC theo Nghị quyết số 5/2022/NQ-HĐND còn chậm do gặp nhiều bất cập, vướng mắc; quân số, biên chế cho các Đội PCCC&CNCH chưa đáp ứng được yêu cầu, tình hình thực tế công việc; chế độ chính sách cho lực lượng chữa cháy, chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của nghề nghiệp; quy hoạch và xây dựng hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác...

Cũng theo Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội, căn cứ chỉ đạo của Trung ương và TP, từ thực tế công tác điều hành quản lý của chính quyền các cấp, nhận thức của Nhân dân, từ thực trạng công tác PCCC&CNCH trên địa bàn TP thời gian qua. 

Việc thông qua Đề án về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030" với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, các nhiệm vụ định kỳ thường xuyên là cần thiết. 

Qua đó, nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cùng với cơ chế vận hành thống nhất, đồng bộ từng bước tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC&CNCH của TP. Hà Nội. Đồng thời, khai thác tối đa nguồn lực của địa phương góp phần nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC&CNCH của Thủ đô đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới.

Tin liên quan
Tin khác