Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 1.350 làng có nghề, trong đó có 308 làng nghề đã được công nhận. Năm 2019, doanh thu của các làng nghề đạt gần 30.000 tỷ đồng, giải quyết phần lớn công ăn việc làm cho lao động nông thôn, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.
Tranh dân gian Kim Hoàng tại huyện Hoài Đức (ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và suy giảm kinh tế, sức mua giảm sút, thị trường tiêu thụ bị chững lại, nhiều đơn hàng bị hủy bỏ, ảnh hưởng lớn đến các làng nghề và thu nhập của các hộ sản xuất trong làng nghề. Trên cơ sở đăng ký và đề nghị của 87 làng nghề trên địa bàn thành phố, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị hỗ trợ bổ sung thêm 12 làng nghề với số tiền 6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đặc biệt là dịch Covid-19, khiến nhu cầu tiêu dùng của xã hội theo hướng hạn chế và tối thiểu nên ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất là các hợp tác xã, chủ trang trại. Đây là những người sản xuất trực tiếp nông sản thực phẩm cho tiêu dùng của người dân Thủ đô. Song thời gian vừa qua, việc đầu tư, hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản trong nông nghiệp còn hạn chế.
Trước thực tế này, 41 hợp tác xã và 18 trang trại trên địa bàn thành phố đã đăng ký và đề nghị hỗ trợ mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản trong nông nghiệp nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng sản xuất cơ giới hóa trong nông nghiệp, giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Qua xem xét, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đề xuất hỗ trợ là máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản trong nông nghiệp cho 21 đơn vị với kinh phí đề nghị hỗ trợ là 4,515 tỷ đồng.
Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, việc bổ sung kinh phí hỗ trợ nêu trên sẽ kịp thời thực hiện các nhiệm vụ góp phần tăng trưởng ngành nông nghiệp Hà Nội năm 2020 trong tình hình dịch Covid-19.