Theo đề xuất, 7 dịch vụ y tế công lập chưa được bảo hiểm y tế thanh toán sẽ được sử dụng ngân sách nhà nước TP.Hà Nội. Trong đó, 3 danh mục thuộc dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình và 4 danh mục cấp cứu ngoại viện.
Hà Nội đề xuất 7 dịch vụ y tế công lập sử dụng ngân sách nhà nước khi chưa được bảo hiểm y tế thanh toán. |
UBND TP.Hà Nội vừa có Tờ trình gửi HĐND TP.Hà Nội đề nghị ban hành Nghị quyết “Ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán và cấp cứu ngoại viện của TP.Hà Nội”.
Theo UBND TP.Hà Nội, hệ thống cấp cứu ngoại viện được triển khai tại các cơ sở công lập hoạt động 24/24h, đảm bảo cấp cứu, vận chuyển người bệnh phục vụ gần 10 triệu dân TP.Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Mục tiêu của cấp cứu ban đầu là can thiệp càng sớm càng tốt nhằm duy trì chức năng sống của bệnh nhân, là giai đoạn quyết định sống chết của người bệnh.
Thời gian qua, các hoạt động trên đang được duy trì tốt về chuyên môn cũng như ngân sách chi trả. Tuy nhiên, hoạt động trên cần được củng cố và phát triển nhiều hơn để phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Khi đó, coi hoạt động cấp cứu, vận chuyển người bệnh là hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đề xuất, Danh mục dịch vụ sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán của TP.Hà Nội bao gồm quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua tạo lập, cập nhật, quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử cá nhân của người dân trên địa bàn; khám bệnh, tư vấn, dự phòng bệnh tật và nâng cao sức khỏe tại nhà; cấp cứu, chăm sóc tại nhà đối với người bệnh.
Danh mục dịch vụ sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực cấp cứu ngoại viện của TP. Hà Nội bao gồm: Hoạt động thường trực cấp cứu tại các địa điểm tổ chức các sự kiện, hội nghị (khi được yêu cầu); cấp cứu, xử trí tại chỗ không vận chuyển người bệnh; cấp cứu ngoại viện và vận chuyển người bệnh; Cấp cứu đến hiện trường không đón được người bệnh.
Dự kiến, Hội đồng nhân dân TP sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 18 được tổ chức ngày 4/10.
Trước đó, nói về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), Bộ Y tế đang tiến hành cập nhật danh mục thuốc bảo hiểm y tế nhằm giảm chi tiền túi để những người thu nhập thấp tiếp cận được thuốc có giá cao, hiệu quả điều trị tốt.
Theo đó, danh mục thuốc bảo hiểm y tế cập nhật đợt này khá lớn, với khoảng 200 loại. Do đó, cần xem xét kỹ để lựa chọn thuốc đạt yêu cầu về hiệu quả điều trị, cũng như tỷ lệ thanh toán phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế và khả năng đồng chi trả của người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ xem xét đưa ra khỏi danh mục thuốc bảo hiểm y tế những thuốc không đạt hiệu quả về điều trị hoặc chi phí điều trị, để giảm bớt gánh nặng cho quỹ bảo hiểm y tế.
Điểm mới của việc cập nhật danh mục thuốc bảo hiểm y tế lần này là thông qua đánh giá công nghệ y tế để khuyến nghị doanh nghiệp điều chỉnh giá thuốc phù hợp, nhằm tăng tỷ lệ chi trả, giúp người thu nhập thấp tiếp cận được thuốc có giá cao, hiệu quả điều trị tốt.
Theo bà Trang, Bộ Y tế đang Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, có 4 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi mà Bộ Y tế đang tiến hành, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Đầu tiên là điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn.
Ngoài ra, điều chỉnh các quy định về bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.
Theo đó, Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đề xuất điều chỉnh chi phí quản lý tối đa 5% như quy định hiện hành xuống tối đa 4% cho hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm y tế. Phần còn lại 1% bổ sung vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bà Trần Thị Trang cho biết, tổng kinh phí được bổ sung vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mỗi năm khoảng 1.100 tỷ đồng sẽ được phân bổ, điều tiết ngay từ đầu năm cho các cơ sở khám chữa bệnh.