Đầu tư và cuộc sống
Hà Nội: Độc đáo tuần lễ triển lãm "Kỳ ẩn Việt Nam"
Hồ Hạ - 22/05/2022 21:55
20 bức tranh độc đáo trong triển lãm “Kỳ ẩn Việt Nam” giới thiệu những kiến trúc cổ ở khắp ba miền.

Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Dự án phi lợi nhuận về Văn hoá và Giáo dục Gavisto Diplomat vừa khai mạc tuần lễ triển lãm "Kỳ ẩn Việt Nam". 

Khuê Văn Các, Hà Nội

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 30/5.

Phát biểu khai mạc triển lãm Kỳ ẩn Việt Nam, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám mong muốn thông qua trưng bày này sẽ lan toả tình yêu di sản của ông cha ta để lại cho giới trẻ. 

"Tôi rất hoan nghênh sự sáng tạo của các bạn trẻ trên nền tảng di sản mà cha ông ta đã dày công vun đắp, để lại. Triển lãm hy vọng sẽ tạo ra năng lượng tích cực, truyền cảm hứng sáng tạo tới giới trẻ để tương lai có nhiều sáng tác hơn nữa để có những góc nhìn đa dạng về di sản của dân tộc", ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ.

Trong lịch sử dân tộc, người Việt Nam đã tạo nên rất nhiều công trình kiến trúc đặc sắc. Các kiến trúc cổ được hình thành từ thuở sơ khai lập nước, phản ánh dấu ấn của thời cuộc, từ những cuộc chiến chống ngoại xâm, chặng đường truyền đạo cho đến sự tích hợp đa văn hóa trong kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng.

Tất cả đều được thể hiện rõ trong từng câu chuyện, kể cả từng giai thoại nhuốm màu kì bí huyền sử. Dẫu vậy, những câu chuyện kì diệu ấy bây giờ không mấy ai thấu đạt và tường tận. Có thể chúng ta chưa biết sự tồn tại của Ca Lâu thành, chưa biết đến những bí mật của di tích Lưu Cừ… Và đó là lý do để triển lãm tranh "Kỳ ẩn Việt Nam" ra đời…

Sài Gòn

Triển lãm "Kỳ ẩn Việt Nam" với 20 sáng tác đầu tay của họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ. Triển lãm giới thiệu những kiến trúc cổ ở khắp mọi miền đất nước. Có những công trình vẫn sừng sững với thời gian, số khác từ lâu đã ẩn mình, những gì còn lại chỉ là nền móng và dĩ vãng trong sách vở. Dưới góc nhìn của hội họa, kiến trúc sẽ khoác lên một lớp áo khác, có mạnh mẽ, sinh động, cũng có trầm lắng, tĩnh lặng.

Triển lãm "Kỳ ẩn Việt Nam" như một cơ hội để làm sống lại những điều tưởng như đã cũ, những di tích tưởng như đã bị quên lãng. Con người ta sống để chứng kiến cuộc đời, còn kiến trúc sống để chứng kiến chúng ta, sinh ra, lớn lên và trưởng thành theo năm tháng.

Được biết, họa sĩ Thanh Vũ sinh năm 1995, làm nghề kiến trúc và có đam mê lớn với hội họa, đặc biệt là sơn dầu. Anh quan niệm hội họa cũng là văn hóa và phản ánh đúng tính chất của thời cuộc.

Nhà Rông, Tây Nguyên

Theo đuổi trường phái hậu ấn tượng, Thanh Vũ mong muốn truyền tải được sự mạnh mẽ, giàu sức sống, nhiệt huyết cũng như tươi trẻ, bình yên thông qua các tác phẩm. Anh bắt đầu khai bút cho bộ sưu tập này vào tháng 6/2021 và kéo dài đến tháng 5 năm nay.

“Việt Nam có một nền tảng văn hóa lịch sử dày dặn, mà kiến trúc lại chính là tiếng nói rõ ràng cho văn hóa lịch sử đó. Tôi muốn giới thiệu với các bạn trẻ, những người thưởng lãm về câu chuyện của mỗi công trình, mỗi vùng đất để mọi người có một cái nhìn khác và biết được tầm quan trọng của văn hóa lịch sử của các công trình xưa cổ ở nước nhà. Từ đó, sẽ có một thái độ ứng xử khác, biết tôn trọng, ghi nhớ và gìn giữ di sản, di tích của đất nước”, Thanh Vũ chia sẻ. 

Hoạ sĩ trẻ bật mí, vừa bắt đầu thực hiện bộ sưu tập thứ 2 “Phật ngự tứ linh” kể về các sắc thái và hình thái của Phật gắn với linh thú trong kiến trúc cổ Việt Nam.

Tin liên quan