Hoạt động này nhằm hiện thực hóa đề án “Không gian văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu theo chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong tổng thể di sản văn hóa Hà Nội” của UBND TP Hà Nội.
5 vòm cầu dẫn được đục thông đợt này, lần lượt là các vòm cầu: 79, 80, 81, 82, 83, đoạn khu vực gầm cầu nối từ Hàng Cót đến Hàng Giấy. Các vòm cầu đại diện cho từng loại hình vòm cầu có kết cấu khác nhau tại đây, như: Vòm cầu bịt kín 2 đầu bên trong lấp đất đá, vòm cầu bịt kín 2 đầu bên trong rỗng.
Trưởng phòng Quản lý dự án, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội Nguyễn Kim Quỳnh cho biết: Việc chọn ra từng loại hình vòm cầu để thí điểm đợt này sẽ tạo điều kiện thuận lợi về kỹ thuật, kinh nghiệm xử lý các vòm cầu tiếp theo trong thời gian tới. Trước đó, đơn vị thi công đã tiến hành bó ray phía trên vòm cầu; ngăn đường, phân luồng giao thông, phục vụ thi công an toàn.
Trong thời gian thi công đục thông 5 vòm cầu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có kế hoạch điều chỉnh tàu chạy chậm qua vị trí thi công, ở mức 1,5km/h, nhằm bảo đảm an toàn, chất lượng thi công.
Sau khi hoàn thành việc đục thông các vòm cầu dẫn đường sắt phía Nam cầu Long Biên, khu vực này dự kiến sẽ được phát triển thành không gian văn hóa thương mại, dịch vụ du lịch, nơi giới thiệu, tôn vinh các sản phẩm làng nghề, ẩm thực truyền thống cùng các sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn.
Dự kiến mỗi vòm cầu hoàn thành việc đục thông sẽ mất từ 25 - 35 ngày, tùy thuộc từng kết cấu công trình, với sự giám sát của các chuyên gia Cục Đường Sắt.
Được biết, trước đây các vòm cầu này rỗng, nhưng sau đó do tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự tại khu vực, nên từ những năm 1980 thành phố Hà Nội đã cho xây bịt kín.
Trong tổng số 131 vòm cầu, có 127 vòm bị bịt kín, chỉ có 4 vòm cầu được giữ lại để người dân và phương tiện lưu thông qua lại. Việc vòm cầu "thông thoáng" sẽ mở ra một không gian văn hóa cộng đồng mới phục vụ người dân Thủ đô và khách du lịch trong tương lai.