Tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình góp phần kết nối nhiều tuyến đường ở Hưng Yên, Hà Nam với hệ thống đường quốc gia. |
Đây là một trong những nội dung trong công văn số 7056/BGTVT – KHĐT vừa được Bộ Giao thông - Vận tải gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến việc đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh Dự án xây dựng tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Bộ Giao thông - Vận tải cho biết là thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Hà Nam về việc đầu tư tuyến đường theo quy mô hoàn chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông trên tuyến, nâng cao hiệu quả khai thác các công trình đã đầu tư (cầu Hưng Hà, cầu Thái Hà trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam) và hỗ trợ địa phương phát triển khu công nghiệp, khu đô thị, khu Đại học Phố Hiến dọc tuyến.
Được biết, tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có chiều dài 47,7 km đi qua địa phận 2 tỉnh Hưng Yên và Hà Nam được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt đầu tư dự án vào tháng 2/2011 và điều chỉnh dự án vào tháng 9/2015 với tổng mức đầu tư 4.486 tỷ đồng, phân kỳ thực hiện đầu tư làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m, đã hoàn thành đưa vào khai thác năm 2019; giai đoạn 2 đầu tư mở rộng với quy mô 4 làn xe cơ giới theo kế hoạch vốn được giao.
Theo báo cáo của tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hà Nam, sau khi đưa vào khai thác lưu lượng xe trên tuyến tăng nhanh gây ùn tắc (các phương tiện vận tải từ Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình đi về khu vực miền Trung, phía Nam đều qua tuyến này), đặc biệt sau khi cầu Hưng Hà đưa vào khai thác vào tháng 2/2020, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến và trong điều kiện dự án đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng, đầu tư một số cống ngang theo quy mô hoàn chỉnh, nếu không thực hiện đầu tư hoàn chỉnh sẽ phát sinh hiện tượng tái lấn chiếm mặt bằng Dự án.
Liên quan đến thủ tục triển khai dự án, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết là theo Quyết định đầu tư dự án, giai đoạn 2 được triển khai theo kế hoạch vốn được giao. Hiện nay, hồ sơ dự án đầu tư giai đoạn 2 đã được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt, mặt bằng giai đoạn 2 đã được giải phóng trong giai đoạn 1, khi được bố trí vốn đầu tư có thể triển khai ngay công tác thiết kế kỹ thuật và thi công. Trường hợp được bố trí nguồn vốn, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai ngay các thủ tục liên quan để sớm thi công giai đoạn hoàn chỉnh Dự án.
Trước đó, tại Thông báo số 188/TB-VPCP ngày 23/5/2020 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đề xuất nguồn vốn bổ sung cho Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện dự án; đồng thời, do tính chất quan trọng, cấp bách nên dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí vốn (1397 tỷ đồng) tại Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 ngày 31/7/2018 về phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng cấp bách.
Vì vậy, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, nghiên cứu quy định của Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh Covid-19 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 188/TB-VPCP ngày 23/5/2020 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn cho Bộ Giao thông - Vận tải triển khai đầu tư giai đoạn 2 của dự án với kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2021.
“Trường hợp các địa phương có thể ứng vốn triển khai sớm, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các quy định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.