Kết quả chưa xứng với tiềm năng
Nằm phía Tây của Thủ đô Hà Nội, huyện Phúc Thọ được biết đến nơi phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá tiêu biểu của Thành phố khi sở hữu hơn 500 ha trồng rau, lúa và cây ăn quả an toàn, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất hữu cơ.
Cũng tại đây đã xây dựng điểm kinh doanh gia cầm, giết mổ tập trung nhằm giảm ô nhiễm môi trường.
Hà Nội đã triển khai gần 200 ha nhà lưới trồng ra an toàn (Ảnh: Minh họa) |
Không chỉ riêng Phúc Thọ, những năm gần đây, ngành nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trên nhiều diện tích canh tác tại các địa phương, góp phần nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Nội cho biết, việc ứng dụng công nghệ, thiết bị vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản sẽ cho năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao. Đồng thời, việc sử dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp, tưới tự động, thủy canh, công nghệ sinh học, công nghệ nhân giống Invitro đã tạo ra các giống cây sạch bệnh, có tính ổn định về năng suất, chất lượng.
Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hiện trên địa bàn có 105 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 71 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, nhiều mô hình đã cho hiệu quả kinh tế hàng tỷ đồng/ha canh tác. Theo đó, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đạt 25%, trong đó, trồng trọt đạt 17,9%, chăn nuôi 33,5%, thủy sản 13%...
Từ những con số này, tại một hội thảo về nông nghệp công nghệ cao được tổ chức tại Hà Nội mới đây, PGS-TS. Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, là địa phương tiên phong đặt vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, nhưng đến nay, Hà Nội chưa hình thành được vùng nông nghiệp công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao. Diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đang triển khai còn nhỏ bé so với tiềm năng của Hà Nội.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Hà Nội có đầy đủ tiềm năng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao như nhu cầu thị trường lớn, có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu cả nước... nhưng thành tựu trong lĩnh vực này còn khiêm tốn.
Bàn về nguyên nhân, theo PGS-TS Đặng Văn Đông, do Hà Nội chưa có khu nhà máy, phân xưởng để sản xuất giống cây trồng, hầu như đều phải nhập từ tỉnh khác hoặc nước ngoài. Cây giống ăn quả có thể sản xuất được, nhưng chưa quy củ, bài bản, chưa ứng dụng được công nghệ trong quản lý chất lượng. Bên cạnh đó, Thành phố mới quan tâm đến ứng dụng kết quả nghiên cứu, chứ chưa chú trọng hình thành địa chỉ giới thiệu sản phẩm, chưa có vùng gắn kết sản xuất với thương mại.
Hà Nội sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc để phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh: Minh họa) |
Từ thực tế trên, theo ông Tạ Văn Tường, Thành phố sẽ tiếp tục xây dựng và tổ hức triển khai các đề án, chương trình vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng quy trình, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, VietGAPHP; Global GAP) và hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến. Đồng thời, phổ biến, vận động người dân, doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn và hỗ trợ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt.
Tiếp tục duy trì và xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm nông – lâm – thủy sản an toàn và phối hợp phát triển chuỗi cung cấp nông sản an toàn với các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ thí điểm ứng dụng hệ thống phần mềm để quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tươi sống. Đồng thời, tăng cường việc định hướng và dự báo thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Sở sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và sẽ thông tin đến các cơ quan chức năng của Thành phố nhằm điều chỉnh, cơ chế chính sách, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần tăng giá trị nông sản. Để trước hết phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô, sau đó hướng đến thị trường quốc tế, để Hà Nội trở thành điển hình cho các địa phương học tập, nhân rộng”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Trong chăn nuôi, đã nhập các giống gà, lợn từ nước ngoài để cải thiện chất lượng đàn giống và đã áp dụng hệ thống chuồng kín tại 30% trại chăn nuôi lợn, gà quy mô lớn; sử dụng hệ thống làm mát trên 50% trại chăn nuôi bò sữa và bò thịt…