Hà Nội là địa phương có nguồn cây dược liệu lớn, đa dạng. Hiện tại, Hà Nội có khoảng 213 ha cây dược liệu, nằm rải rác ở một số địa phương như Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, Thạch Thất... Các chủng loại cây dược liệu tương đối đa dạng như cà gai leo, kim ngân hoa, đinh lăng, chè hoa vàng, hoa nhài…
Thành phố đã thí điểm thử nghiệm các mô hình trồng cây dược liệu từ năm 2020 theo hướng bền vững, ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo với tổng quy mô 14 ha. Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền và sự liên kết với doanh nghiệp, nhiều mô hình trồng cây dược liệu tại Hà Nội đã đạt được những thành công đáng kể.
Điển hình là mô hình trồng và chế biến cây đinh lăng tại huyện Ba Vì. Đinh lăng là loại cây có giá trị kinh tế cao, được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền để làm thuốc bổ, chữa bệnh và chế biến thực phẩm chức năng. Với diện tích trồng đinh lăng lên tới hàng chục hecta, Ba Vì đã trở thành vùng sản xuất đinh lăng lớn nhất của Hà Nội, cung cấp hàng tấn nguyên liệu mỗi năm cho các nhà máy chế biến.
Mô hình trồng cây dược liệu cúc chi của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm. |
Cũng tại huyện Ba Vì, chị Uông Tuyết Nhung, Giám đốc điều hành Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm, thị xã Sơn Tây cho biết, cánh đồng trồng cây dược liệu cúc chi với diện tích hơn 3 ha đã được Hợp tác xã đưa vào trồng thử nghiệm trên đất Sơn Tây vào năm ngoái.
Đây là mô hình được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng, hỗ trợ mô hình 50% giống và vật tư nông nghiệp với mục đích gắn sản xuất với tiêu thụ và chế biến cây dược liệu, nhằm chuyển đổi diện tích đất đồi sang trồng cây dược liệu, góp phần khai thác lợi thế địa hình của từng địa phương.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Dũng, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn chia sẻ, sau khi quyết định chuyển đổi diện tích canh tác rau màu vùng đồng bãi ven sông Cà Lồ sang trồng cây ngưu bàng cho thấy cây dược liệu này rất phù hợp với vùng đất bãi ven sông, có khả năng kháng sâu bệnh và phát triển tốt.
Nhờ đó, củ ngưu bàng được Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn thu mua tại ruộng với giá 90.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân hơn 400kg/sào, trừ chi phí sản xuất, gia đình anh Dũng thu về lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/sào. “So với canh tác lúa truyền thống thì giá trị cao gấp hàng chục lần”, anh Dũng nói.
Trồng cây dược liệu sẽ cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa, tuy nhiên, vấn đề cốt lõi hiện nay là đầu ra cho sản phẩm. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và các doanh nghiệp thu mua, chế biến. Chính quyền cũng cần hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, đồng thời tăng cường công tác quảng bá và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dược liệu.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để bảo đảm chất lượng sản phẩm thu mua, các ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn; hỗ trợ vay vốn đầu tư công nghệ cao cho quá trình thu hái, sơ chế, chế biến sản phẩm, nhằm cung cấp ổn định nguyên liệu cho các doanh nghiệp.
TP. Hà Nội đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Cụ thể, Thành phố đã triển khai các chương trình khuyến nông, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống cây trồng chất lượng cao và xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO (Good Agricultural and Collection Practices - World Health Organization) tại các vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, với quy mô 400 ha vào năm 2025 và 1.000 ha vào năm 2030.
Ngoài ra, Hà Nội cũng chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao kiến thức cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cây dược liệu. Các khóa tập huấn, hội thảo và buổi tham quan thực tế tại các mô hình trồng cây dược liệu thành công được tổ chức thường xuyên, giúp nông dân nắm bắt được các kỹ thuật tiên tiến và áp dụng vào thực tế sản xuất.
Thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ thực hiện rà soát, xác định, xây dựng chi tiết vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho từng loại dược liệu ở từng địa bàn xã, gắn với xây dựng hệ thống thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu trên cơ sở khai thác lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên.
Đồng thời, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả ở những nơi có điều kiện phù hợp sang trồng dược liệu theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, tạo ra những thương phẩm dược liệu có giá trị gia tăng lớn gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ngoài ra, tùy theo lợi thế, điều kiện thực tế, các địa phương có thể lựa chọn, phát triển các loài dược liệu khác có thế mạnh, giá trị kinh tế, có đầu ra cho sản phẩm, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các tiểu vùng sinh thái của địa phương, như: thìa canh, khôi tía, cây tràm, nhân trần, chè vằng, đu đủ đực, mùi già, diếp cá, rau má, sâm, sương sáo...