Tiêu dùng
Hà Nội kích hoạt “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021”
Hồ Hạ - 05/11/2021 13:23
Sáng 5/11, Lễ kích hoạt Sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021” đã diễn ra với sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực và người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Ngày không dùng tiền mặt thuộc Chương trình Khuyến mại tập trung Thành phố là Sự kiện thường niên do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, giao Sở Công Thương chủ trì tổ chức kéo dài trong tháng 11 hàng năm. Sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021” có sự phối hợp thực hiện của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021” có chủ đề: “Một chạm thông minh - Kích cầu mua sắm”


Thanh toán an toàn, thuận tiện, phi tiếp xúc

Năm 2021, trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp hữu hiệu để đạt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong “trạng thái bình thường mới”; UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Công Thương Hà Nội phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội cùng các doanh nghiệp tổ chức: “Sự kiện Ngày không dùng tiền mặt năm 2021”.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021” với chủ đề: “Một chạm thông minh - Kích cầu mua sắm”  nhằm tuyên truyền về lợi ích của thanh toán không dùng mặt đẩy mạnh thương mại điện tử đặc biệt là đối tượng khách hàng tham gia thanh toán, mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các kênh thương mại điện tử, các lĩnh vực khác (thanh toán tiền điện, nước, viễn thông, y tế…) trên địa bàn Thành phố.

Sự kiện gồm 2 hoạt động chính: Hoạt động tuyên truyền, khuếch trương cho Sự kiện thông qua các hình thức tuyên truyền (mạng xã hội, banner quảng cáo, tờ rơi tuyên truyền…) trong suốt tháng 11/2021 để người tiêu dùng biết và hưởng ứng và Hoạt động Lễ kích hoạt Sự kiện diễn ra trong 2 khu vực chính: Khu vực Kích hoạt Sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021” nhằm truyền tải mục đích ý nghĩa, thông điệp của Sự kiện; Khu vực gian hàng giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt là khu vực dành cho các doanh nghiệp đồng hành trong Sự kiện như: Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY), Ví điện tử ShopeePay, Sàn thương mại điện tử Shopee, Nền tảng Thương mại Điện tử Lazada Việt Nam, Sàn thương mại điện tử Bizi, Công ty TNHH AEON Việt Nam, Công ty MM Mega Market Việt Nam, Công Ty Cổ Phần Dịch Vụ Giao Hàng Nhanh để giới thiệu, quảng bá về các công nghệ, sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại (xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt), thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code); thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ; thanh toán phi tiếp xúc) và các ưu đãi cho khách hàng mua sắm hàng hóa, dịch vụ khi thanh toán không dùng tiền mặt.

Qua đó tạo điều kiện cho người tiêu dùng làm quen và sử dụng các thiết bị, công nghệ thanh toán điện tử trong các giao dịch mua bán, từ đó góp phần hình thành thói quen sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo bà Phương Lan, thông qua các chuỗi hoạt động của Sự kiện, Sở Công Thương Hà Nội hy vọng sẽ thu hút đông đảo người dân tham gia hưởng ứng, tạo thói quen cho người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi giao dịch và mua sắm, tạo thêm động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử tạo thuận lợi cho khách hàng khi mua sắm, thanh toán và là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Thành phố trong những tháng cuối năm, giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hằng năm.

Cũng theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cùng với xu hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0, để thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử trong thời gian tới Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ triển khai mạnh mẽ các loại hình thanh toán mới hiện đại, có các hình thức động viên, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị bán lẻ triển khai thực hiện thanh toán dịch vụ bán lẻ bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến (qua website/ứng dụng thương mại điện tử; sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, Sendo, Shopee…) nhằm tìm kiếm, kết nối với khách hàng, duy trì kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch ngày càng siết chặt.

Thanh toán số được ưa chuộng 

Tại Sự kiện, đại diện các doanh nghiệp đồng hành đã chia sẻ những giải pháp, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang và dự định triển khai tại đơn vị cũng như xu hướng và tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhằm đẩy mạnh doanh số tiêu dùng không tiền mặt (như thông qua các ưu đãi cho người tiêu dùng…).

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, chia sẻ: “Thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể từ lúc đại dịch bùng phát. Khách hàng tìm đến các phương thức thanh toán điện tử như thanh toán không tiếp xúc, thanh toán trực tuyến với mong muốn trải nghiệm tính năng tiện lợi và nhanh chóng, đồng thời đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Sự đón nhận này là động lực để Visa và mạng lưới đối tác phát hành thẻ, đơn vị chấp nhận thanh toán, cùng không ngừng sáng tạo các giải pháp và phủ rộng thanh toán số, nhằm nâng cao trải nghiệm cho người tiêu dùng Việt Nam và hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt”.

Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Vận hành Ví điện tử ShopeePay cho biết: “Thanh toán số là phương thức giao dịch đang được ưa chuộng trên các sàn Thương mại điện tử, theo đó, việc ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận với thương mại điện tử sẽ thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt trong cuộc sống hằng ngày.

Nhằm hưởng ứng sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021” và khuyến khích người dùng gia tăng sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt, chúng tôi sẽ tiếp tục mang đến cho khách hàng sử dụng ví điện tử ShopeePay các ưu đãi độc quyền lên đến 50% khi tham gia mua sắm, nạp điện thoại hay thanh toán hóa đơn, dịch vụ trên trang thương mại điện tử Shopee và khi thanh toán trực tiếp tại cửa hàng”.

Các đại biểu kích hoạt Sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021” 

Đại diện cho Khối các doanh nghiệp Thương mại điện tử, bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam cho biết: Là một nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, Lazada đã tiên phong áp dụng các biện pháp giao hàng không tiếp xúc nhằm đảm bảo an toàn cho đối tác, nhân viên chuyển phát, nhà bán hàng, khách hàng của chúng tôi, góp phần khống chế dịch bệnh. Đồng thời, chúng tôi cũng tăng cường mở rộng nhiều giải pháp liên kết, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thanh toán điện tử nhằm hạn chế tiếp xúc nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Nhờ vậy, Lazada đã ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ với tỷ lệ thanh toán không tiền mặt tăng trưởng hơn 30% mỗi tháng kể từ tháng 4/2021. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các đối tác để mang đến thêm nhiều chương trình hợp tác nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán điện tử và kinh tế số”. 

Ông Lưu Hồng Phước, Giám đốc Hoạch định Tài chính AEON Việt Nam chia sẻ: Việc tăng tốc chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đã nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của AEON Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng chung, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh hiện tại.

Cho tới thời điểm hiện nay, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các Trung tâm của AEON Việt Nam đạt gần 50%, tăng dần đều qua các năm. AEON Việt Nam cũng đẩy mạnh triển khai các dịch vụ tiện ích số với 02 dự án “Máy chọn món tự động” và “Quầy thanh toán bán tự động” tại tất cả các Siêu thị AEON, dự kiến mở rộng tại các cửa hàng chuyên doanh, địa điểm kinh doanh khác của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Giám đốc Thương mại Giao hàng nhanh chia sẻ: “Trong nửa cuối tháng 10, lượng đơn hàng đã tăng 35% so với cao điểm trước dịch; dự kiến tiếp tục tăng tối thiểu 20% trong những tháng cuối năm”.

Người dùng Việt hình thành thói quen thanh toán online, thanh toán trước, hoặc COD thông qua các đơn vị giao nhận. Bản thân các đơn vị giao nhận như giao hàng nhanh cũng liên tục ứng dụng công nghệ cao để hỗ trợ hệ sinh thái bán lẻ kiểu mới như lập kho phân loại hàng tự động 100% đầu tiên tại Việt Nam; trải nghiệm “lên đơn nhanh”, từ tính năng tạo đơn hàng loạt, cho đến việc kết nối với hầu hết phần mềm quản lý bán hàng; mới đây là giải pháp “Giao hàng nhanh Xu” giúp tinh giản hóa hoạt động thanh toán cước phí nhưng vẫn đảm bảo thông tin minh bạch. Cả nhà bán và khách hàng có thể tra cứu lịch sử giao dịch trên hệ thống Giao hàng nhanh.

Ban Tổ chức cho biết, sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt” được tổ chức lần thứ nhất vào năm 2020, trong hơn 1 tháng diễn ra các chuỗi hoạt động của sự kiện Ngày không dùng tiền mặt và Tháng khuyến mại Hà Nội đã thu hút hàng triệu lượt khách hàng trải nghiệm, mua sắm tại các điểm khuyến mại.

Chỉ trong 2 “Ngày vàng khuyến mại” tại 50 “Điểm Vàng khuyến mại” như siêu thị Pico, siêu thị BigC… cùng 2.000 điểm khuyến mại trên địa bàn Thành phố đã thu hút hơn 660.000 lượt khách hàng, tổng doanh thu ước đạt hơn 300 tỷ đồng, giá trị khuyến mại cho người tiêu dùng đạt gần 50 tỷ đồng; một số trung tâm thương mại, siêu thị ghi nhận mức tăng mạnh về lượng khách mua sắm và doanh thu so với ngày trong tuần: Trung tâm Thương mại BigC Thăng Long tăng 200% doanh thu, 220% lượng khách; siêu thị điện máy Pico doanh thu tăng hơn 100%, lượng khách tăng 200%...; các hệ thống cửa hàng thời trang, may mặc cũng ghi nhận mức tăng đáng kể so với ngày thường…

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội tích cực thực hiện và phối hợp với các cơ quan truyền thông, đơn vị cung ứng dịch vụ hàng hóa như các trung tâm tâm thương mại, siêu thị... trên địa bàn Thành phố thông qua các chuỗi hoạt động của Sự kiện để tuyên truyền, quảng bá về thanh toán qua POS, thanh toán điện tử, dịch vụ trung gian thanh toán dưới nhiều hình thức phong phú, hiệu quả (như tờ rơi tuyên truyền, banner quảng cáo...) góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong thanh toán, giúp công chúng hiểu được lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi hấp dẫn đối với khách hàng sử dụng dịch vụ; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các chính sách, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nhằm giúp người dân hiểu rõ về các loại phí, mục đích thu phí dịch vụ thanh toán, về các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán (đặc biệt các lần miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, phí chuyển tiền nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020).

Qua kỳ tổ chức đầu tiên, Ngày không dùng tiền mặt năm 2020 đã góp phần quan trọng: thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại, đẩy nhanh tiến trình không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế để hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt; góp phần bình ổn giá cả, chống thất thu thuế, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Tin liên quan
Tin khác