Thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập
Ngày 4/10, tại Kỳ họp thứ 18 HĐND Thành phố khóa XVI, các đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao của Hà Nội năm học 2024-2025.
Cùng ngày, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và cấp cứu ngoại viện của Thành phố Hà Nội.
Các đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội bấm nút biểu quyết |
Trình bày Tờ trình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Trần Thế Cương cho biết, tính đến tháng 7/2024, thành phố Hà Nội có 298 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên (không bao gồm các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao), trong đó: 296 cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; 2 cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (không thuộc loại hình đơn vị trên).
Đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, tính đến tháng 7/2024 Hà Nội có 17 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao. Trong đó: 16 cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tự bảo đảm chi thường xuyên; 1 cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (trường THCS Chu Văn An - Long Biên).
Với đa số đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao của Hà Nội năm học 2024-2025.
Theo đó, đối tượng áp dụng nghị quyết gồm: Các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên của thành phố Hà Nội (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập đang thực hiện thí điểm đặt hàng giá dịch vụ giáo dục theo quy định tại Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND thành phố Hà Nội về giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách nhà nước của Hà Nội; các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao) và trẻ em mầm non, học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục này. Các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao của thành phố Hà Nội và trẻ em mầm non, học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục này.
Mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp, chi tiết cụ thể như dưới đây:
Mức thu học phí theo hình thức học trực tuyến: Bằng 75% mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp và được làm tròn đến đơn vị nghìn đồng.
Nghị quyết cũng quy định áp dụng mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng.
Đối với các tháng đồng thời áp dụng cả hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến: Căn cứ thời gian học tập của học sinh tại đơn vị đó để áp dụng mức thu học phí của tháng đó. Trường hợp thời gian học tập theo hình thức học trực tiếp từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu theo hình thức học trực tiếp; trường hợp thời gian học tập theo hình thức học trực tuyến từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu theo hình thức học trực tuyến (bao gồm cả số ngày nghỉ theo quy định của pháp luật) và mức thu học phí tương ứng đã được quy định.
Thời gian thu học phí thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Thông qua Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình.
Ngày 4/10, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và cấp cứu ngoại viện của thành phố Hà Nội.
Theo đó, Danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán của thành phố Hà Nội với 3 dịch vụ: Quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua tạo lập, cập nhật, quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân của người dân trên địa bàn; khám bệnh, tư vấn, dự phòng bệnh tật và nâng cao sức khỏe tại nhà; cấp cứu, chăm sóc tại nhà đối với người bệnh.
Cụ thể, cấp cứu, chăm sóc tại nhà đối với người bệnh gồm 18 hoạt động sau: Cấp cứu ngừng tuần hoàn; cầm máu (vết thương chảy máu); băng bó vết thương; cố định tạm thời người bệnh gãy xương chi; cố định cột sống cổ bằng nẹp cứng; cố định gãy xương sườn; thông đái; vỗ rung lồng ngực; xử trí loét do đè ép; đặt ống thông dạ dày; thụt tháo phân; ngâm rửa vết bỏng bằng nước mát sạch, băng ép trong sơ cấp cứu tổn thương bỏng kỳ đầu; xét nghiệm đường máu mao mạch; lấy mẫu xét nghiệm (máu, nước tiểu, phân...); tiêm trong các trường hợp cấp cứu, chống đau cho người bệnh ung thư; truyền dịch các trường hợp cấp cứu, chống đau cho người bệnh ung thư; thay băng; cắt chỉ.
Đối với Danh mục dịch vụ cấp cứu ngoại viện của thành phố Hà Nội gồm 4 dịch vụ: Hoạt động thường trực cấp cứu tại các địa điểm tổ chức các sự kiện, hội nghị (khi được yêu cầu); cấp cứu, xử trí tại chỗ không vận chuyển người bệnh (tính theo khoảng cách); cấp cứu ngoại viện và vận chuyển người bệnh (tính theo khoảng cách); xe cấp cứu đến hiện trường không đón được người bệnh (tính theo khoảng cách).