Bức tranh nông thôn Thủ đô thay đổi toàn diện
Kể từ khi triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đặc biệt là Chương trình 02 và nay là Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM, ngoại thành ở Thủ đô đã trở thành những miền quê đáng sống.
Hiện nay, chỉ còn 2 huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức chưa đạt chuẩn, còn Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Có 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 111 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), lũy kế từ năm 2019 đến nay, Thủ đô đã tổ chức đánh giá, công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP. Trong đó có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực. Riêng trong năm 2022, Hà Nội đánh giá, công nhận được 518 sản phẩm OCOP, tăng 118 sản phẩm so với kế hoạch đề ra.
Về phát triển kinh tế nông thôn, hiện có 1.389 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó 1.165 HTX đang hoạt động, 224 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể. Toàn TP. Hà Nội hiện có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha. Hiện, các cơ sở sản xuất hoạt động ổn định và có xu hướng tiếp tục phát triển. Tốc độ gia tăng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân hàng năm 3,03%.
Nhờ được quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư nên chỉ trong thời gian ngắn, hạ tầng xã hội, hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh của Hà Nội đã phát triển khá đồng bộ. Sản xuất nông nghiệp, các làng nghề có nhiều bước phát triển, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tốt, doanh thu lẫn giá trị sản xuất tính theo héc-ta tăng cao lên tới hàng tỷ đồng như: Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao ở Đan Phượng, Hoài Đức hay mô hình nuôi vỗ béo bò 3B của một số nông dân ở Hoài Đức, Đan Phượng cho lợi nhuận hàng tỷ đồng...
Nhờ đó, đời sống của người nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn đã đạt trên 54 triệu đồng/người/năm. Một số huyện có thu nhập bình quân tính theo đầu người dân cao như Đan Phượng (66 triệu đồng/người/năm), Gia Lâm (65 triệu đồng/người/năm)… Đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang; 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm; đường làng ngõ xóm khang trang, bê tông hóa...
Tập trung thực hiện chính sách “tam nông”
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP. Hà Nội cho biết, Theo Quyết định số 3098/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội, Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao gồm 19 tiêu chí, 78 chỉ tiêu. Trong đó có một số tiêu chí, chỉ tiêu mới so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 và một số chỉ tiêu yêu cầu cao hơn hoặc cụ thể so với quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, phải đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định. Ngoài ra, phải đạt các chỉ tiêu bắt buộc như: Thu nhập, mô hình “thôn thông minh”. Đối với các tiêu chí tự chọn, các xã chọn 1 trong 8 lĩnh vực để thực hiện, là: An ninh trật tự, môi trường, sản xuất, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, chuyển đổi số...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, Hà Nội đã và đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức đòi hỏi cần phải sớm giải quyết, nhất là tốc độ đô thị hóa. Vấn đề môi trường, thu gom và xử lý rác, nước thải...
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về NTM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Thành phố và các địa phương tập trung chỉ đạo, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện NTM, huyện NTM nâng cao, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, phấn đấu về đích đúng kế hoạch. Đối với các huyện đang thực hiện đề án xây dựng thành quận như: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện NTM nâng cao chưa đạt, cơ bản đạt, hoàn thành xây dựng NTM nâng cao trước khi lên quận. Bên cạnh đó, bà Tuyến đề nghị các cấp, ngành, địa phương cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2023, thu nhập của người dân nông thôn đạt 70 triệu đồng/người/năm… “Để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, cần tập trung thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay, đó là “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh””, bà Tuyến nhấn mạnh.