Theo đó, huyện Đông Anh là một trong những địa phương đầu tiên của Hà Nội về đích huyện nông thôn mới. Sau kết quả đáng mừng đó, địa phương tiếp tục chỉ đạo duy trì và nâng cao các tiêu chí; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, Thành phố, đồng thời chủ động bố trí nguồn lực để xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết, sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, địa phương đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 12/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 52%) và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, huyện đã đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.
Với quyết tâm về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2023, ngay từ đầu năm, huyện Gia Lâm đã phân công nhiệm vụ đối với các phòng, ban chuyên môn chủ động hướng dẫn các xã rà soát bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao để xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp.
Theo ông Nguyễn Tiến Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, đến hết năm 2022, huyện Gia Lâm đã có 15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 75%). Huyện đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 5 xã còn lại, phấn đấu có 100% xã đạt chuẩn năm 2023. Đối với 9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, Gia Lâm đã đạt 8/9 tiêu chí, chỉ còn 1 tiêu chí cơ bản đạt.
Môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp tại huyện Đan Phượng. |
Cùng với đó, huyện Đan Phượng, nơi được xem là lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đến nay đã có 100% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Về tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, huyện cũng đã đạt 9/9 tiêu chí theo quy định. Đây là một kết quả đáng tự hào trong quá trình xây dựng nông thôn mới của Huyện.
Trong khi đó tại huyện Thanh Trì, cùng với sự nỗ lực xuyên suốt nhiều năm qua đã giúp 100% các xã trên địa bàn huyện về đích nông thôn mới nâng cao. Kết quả rà soát mới đây cho thấy, Thanh Trì cũng đã đạt 8/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, hiện đang tiếp tục hoàn thiện tiêu chí giáo dục.
Theo ông Ngọc Văn Ngôn, Phó chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đặt ra đến năm 2025 là Thành phố sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Để mục tiêu trên thành hiện thực, Hà Nội phải có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Cũng theo chỉ đạo của Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU tại Hội nghị giao ban quý II/2023, các huyện của Hà Nội trước khi trở thành quận phải hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Trong đó, 4 huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận nông thôn mới nâng cao trong tháng 9/2023.
“Trên cơ sở chỉ đạo của Thành uỷ, vừa qua, đoàn công tác Hội đồng thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thành phố Hà Nội đã tổ chức các buổi làm việc với 4 huyện để rà soát, đánh giá kết quả thực hiện của các địa phương. Sau khi nghe báo cáo giải trình của 4 huyện, các thành viên đoàn đã giải thích, hướng dẫn, góp ý để các địa phương hoàn thiện hồ sơ minh chứng trình cấp có thẩm quyền xem xét...”, ông Ngọ Văn Ngôn thông tin thêm.
Ngoài ra, đại diện Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết thêm, xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao vừa là nhiệm vụ chính trị và cũng là vinh dự rất lớn của các địa phương. Hiện, cả nước mới có huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) trình Trung ương hồ sơ công nhận huyện nông thôn mới nâng cao. Đây là quyết tâm rất lớn của Thành phố.
Chính vì vậy, các địa phương cần tập trung cao độ để hoàn thiện tốt nhất hồ sơ trình Hội đồng Trung ương đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận đạt chuẩn trong năm 2023.