Tiêm vắc-xin chủ động tạo miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Các chuyên gia khẳng định, tiêm chủng đầy đủ là cách phòng chống bệnh truyền nhiễm an toàn, hiệu quả và chủ động.
Tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do nhiều loại bệnh nguy hiểm gây ra. Ảnh: Chí Cường |
Nhằm đẩy mạnh công tác tiêm chủng đạt tỷ lệ cao, từ đầu năm 2024, Sở Y tế Hà Nôi đã ban hành Kế hoạch số 1250/KH-SYT về triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, phấn đấu mục tiêu tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin cho trẻ em dưới 1 tuổi, tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella mũi 2 cho trẻ 18 tháng tuổi và tiêm đầy đủ uốn ván cho phụ nữ có thai đạt từ 95% trở lên;
Tiêm đủ 2 mũi vắc-xin bại liệt tiêm (IPV) cho trẻ dưới 1 tuổi, vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-5 tuổi và tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B trong 24 giờ đầu cho trẻ sơ sinh đạt từ 90% trở lên.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh Bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi 4 (DPT4) cho trẻ từ 18 tháng đạt từ 80%; tỷ lệ tiêm bổ sung, tiêm chống dịch các loại vắc-xin đảm bảo chỉ tiêu theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
100% các cơ sở tiêm chủng đóng trên địa bàn Hà Nội phải thực hiện quản lý đối tượng trong diện hoạt động tiêm chủng mở rộng, lịch sử tiêm của đối tượng tiêm chủng mở rộng; quản lý vật tư, vắc-xin và thống kê báo cáo tháng, quý, năm trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội được Sở Y tế Hà Nội giao là đơn vị thường trực công tác tiêm chủng, đã xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn, hướng dẫn cho tất cả cơ sở tiêm chủng thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế.
Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội là đầu mối tổng hợp nhu cầu sử dụng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng của các đơn vị trên địa bàn thành phố để báo cáo, đề xuất cấp phát vắc-xin theo đúng hướng dẫn, tổ chức tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc-xin, phân bổ, cấp phát cho các đơn vị theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tiêm chủng ở các trung tâm y tế quận, huyện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn về quản lý, thực hành an toàn tiêm chủng, giám sát bệnh truyền nhiễm; tổ chức các đợt giám sát về công tác tiêm chủng như: quản lý đối tượng, an toàn tiêm chủng, đánh giá tiến độ thực hiện theo tháng, quý về công tác tiêm chủng.
Bác sĩ Bùi Văn Hào, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, trước diễn biến của dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ, Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo một số dịch bệnh ghi nhận trong thời gia vừa qua như sởi, ho gà, bạnh hầu...
Với các bệnh có vắc-xin thì khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế...
Theo các bác sỹ, để buổi tiêm chủng đạt hiệu quả, trạm y tế đã chủ động rà soát đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng, đẩy mạnh tuyên truyền và thông báo trên tin nhắn hoặc gọi điện, gửi giấy mời cho người dân trên địa bàn biết về thời gian, địa điểm tiêm chủng.
Người dân khi đưa trẻ đến tiêm chủng sẽ được cán bộ y tế tiếp đón, khám sàng lọc, tư vấn và tiêm vắc-xin theo đúng liều lượng, độ tuổi, quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng được hướng dẫn theo dõi và xử trí đối với các phản ứng sau tiêm chủng của trẻ. Với những gia đình chưa đưa trẻ đi tiêm thì cán bộ y tế sát sao hơn, chủ động gọi điện thông báo hẹn ngày tiêm lại cho trẻ.
Tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ sẽ được tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh như viêm gan B, bệnh lao, bệnh ho gà, uốn ván, bệnh bạch cầu, bệnh sởi - rubella hoặc viêm não Nhật Bản… Vắc-xin có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh kháng thể, bảo vệ sức khỏe, hạn chế sự tấn công của vi rút, vi khuẩn có hại đối với sức khỏe.
Do đó, việc tiêm phòng đúng lịch, đủ liều sẽ giúp trẻ có hệ miễn dịch tốt, phòng tránh được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm...
Ngoài Hà Nội thì hiện tại dịch truyền nhiễm đang có diễn biến phức tạp đòi hỏi các biện pháp phòng dịch trong đó có vắc-xin cần được tăng cường.
Ngày 10/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trong tuần 31 (từ ngày 29/7 đến 4/8), theo ghi nhận, tại TP phát hiện 60 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó có 9 ca được xác định mắc bệnh trong phòng thí nghiệm (dương tính ELISA IgM).
Ngoài ra, cũng trong tuần 31, tại TP.HCM cũng ghi nhận 254 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, cao hơn 21% so với trung bình 4 tuần trước.
Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 31 là 5.136 ca. Các quận huyện có số ca mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, TP.Thủ Đức, quận 7.
Về tay chân miệng, trong tuần 31, TP ghi nhận 351 trường hợp mắc bệnh, thấp hơn 18,7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 31 là 9.475 ca.
Các quận huyện có số ca mắc tay chân miệng trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và quận 8. Hiện bệnh tay chân miệng và bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng ngừa, còn bệnh sởi đã có vắc- xin phòng ngừa.
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho thấy trong tháng 7 bệnh viện ghi nhận 82 ca sởi mới nhập viện. Tỷ lệ này cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 và trung bình 5 năm vừa qua. Dự đoán trong thời gian tới, tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng.
CDC TP.HCM bự báo trong tháng 8, tỷ lệ trẻ nhập viện do sốt xuất huyết, viêm tiểu phế quản sẽ tăng.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2024 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo sự quay trở lại của dịch sởi. Theo đó, tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.
Theo WHO, tại Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vắc-xin trong Chương trinh liêm chúng mớ rộng năm 2023 đã tác động đên tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin cho trẻ em trên toàn quốc.
Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc-xin trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, bao gồm dịch sởi.
Để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh.
Tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vắc-xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vắc-xin sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi;
Rà soát, tố chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng chống, vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng bệnh.
Để giảm thiểu rủi ro cũng như ngăn chặn dịch sởi quay trở lại, WHO nhấn mạnh tiêm chủng là biện pháp duy nhất để bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng này. Các quốc gia trên thế giới bắt buộc phải đạt được và duy trì tỷ lệ bao phủ trên 95% với 2 liều vắc-xin sởi.
Trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin sởi đầy đủ và đúng lịch để giúp cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu với virus sởi, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sởi và các biến chứng nặng nề, hiệu quả vượt trội đến 98%.
Bên cạnh đó, mỗi người cần chủ động vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước sát khuẩn mỗi ngày. Hạn chế tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với những người có biểu hiệu mắc bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời không dùng chung vật dụng cá nhân với người mắc bệnh. Giữ vệ sinh không gian sống và bổ sung thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Nếu thấy có các triệu chứng của bệnh sởi (sốt, chảy nước mũi, ho khan, mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng, phát ban khắp cơ thể), cần nhanh chóng đến các trung tâm hoặc cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.