Tỷ lệ tiêm vắc-xin bạch hầu tăng
Thông tin từ Hệ thống tiêm chủng VNVC, chỉ trong 3 ngày (từ 9 đến 11/7), tỷ lệ tiêm vắc-xin bạch hầu tại đây tăng hơn 1.000% so với thời điểm trước khi phát hiện một số ca bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, nhu cầu tiêm vắc-xin phòng bệnh của người dân tăng đột biến. |
Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra.
Bạch hầu thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây truyền nhanh và gây tử vong cao, buộc phải cách ly, nghiêm cấm hành vi che giấu, không khai báo.
Bệnh gây ra các biểu hiện chủ yếu ở đường hô hấp như bạch hầu mũi, họng, thanh quản, khí phế quản… Trong đó, có khoảng 70% người mắc bạch hầu họng. Các thể ít gặp hơn là bạch hầu da, bạch hầu mắt.
Tiêm chủng đầy đủ vắc-xin và tiêm nhắc lại theo thời gian là cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất, tỷ lệ bảo vệ đến 97%. Cơ thể chỉ cần 2-3 tuần sau khi tiêm đủ liều để sản sinh miễn dịch với bệnh.
Cụ thể, sau khi hoàn tất lịch tiêm chủng vắc-xin “5 trong 1” hoặc “6 trong 1” trong 2 năm đầu đời (vào lúc 2, 3, 4 và 18 tháng), trẻ cần tiêm nhắc một mũi vắc-xin có thành phần bạch hầu vào lúc 4-6 tuổi và 9-15 tuổi. Người lớn cần tiêm nhắc vắc-xin có thành phần bạch hầu 10 năm/lần.
Hiện có đầy đủ các loại vắc-xin chính hãng phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em và người lớn, gồm: Vắc-xin “6 trong 1”, “5 trong 1”, “4 trong 1”, “3 trong 1”, “2 trong 1”, sản xuất tại Pháp, Bỉ, Canada, Việt Nam.
Về phía Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cơ quan này đưa ra khuyến cáo, người dân cần đưa trẻ đi tiêm các vắc-xin chứa thành phần bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Trong trường hợp hoãn tiêm, các gia đình đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.
Tuy nhiên, người dân không nên hoang mang, tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện thông tin đại chúng không chính thống; không tự ý tiêm chủng vắc-xin chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của cơ quan y tế trong vùng có dịch và theo hướng dẫn của từng loại vắc-xin có chứa thành phần bạch hầu.
Trong trường hợp cần thiết, người dân cần liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều và đúng thời điểm cũng như an toàn, hiệu quả phòng bệnh.
Bên cạnh đó, để phòng bệnh, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đồng thời, bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người bệnh phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Dịch ho gà tại một số tỉnh, thành phố đang có diễn biến phức tạp
Bộ Y tế ban hành Công văn số 3935/BYT-KCB về việc tăng cường phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi, ho gà trong cơ sở khám, chữa bệnh gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thủ trưởng Y tế các ngành; Giám đốc cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học.
Để bảo đảm an toàn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch sởi, ho gà trong cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Y tế các ngành lập kế hoạch phòng, chống sởi, ho gà và triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống các bệnh này trên địa bàn tỉnh, bao gồm cả hoạt động tiêm chủng.
Các địa phương chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng giám sát, phát hiện kịp thời trường hợp mắc mới, điều tra, xác định nguồn lây, tổ chức khoanh vùng, xử lý khi có ổ dịch sởi, ho gà.
Đồng thời, Sở Y tế các địa phương chỉ đạo bệnh viện trực thuộc thực hiện tốt công tác thu dung người bệnh sởi, ho gà; điều trị kịp thời, hạn chế tối đa trường hợp chuyển nặng, tử vong. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và xảy ra ổ dịch sởi, ho gà tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị, Sở Y tế các địa phương thực hiện tốt kế hoạch tiêm chủng sởi, ho gà năm 2024 và triển khai tốt công tác tiêm chủng thường xuyên hằng tháng cho các đối tượng thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về quản lý hoạt động tiêm chủng, cập nhật đầy đủ đối tượng trên nền tảng quản lý thông tin tiêm chủng.
Theo yêu cầu tại Công văn của Bộ Y tế, y tế các địa phương thực hiện rà soát bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, vắc xin chống dịch, trang thiết bị, nhân lực... phục vụ cho các hoạt động tiêm chủng thường xuyên, phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ứng phó với dịch bệnh; kế hoạch dự phòng và ứng phó với dịch bệnh theo các mức độ, quy mô của dịch.
Ngoài ra, ban hành các hướng dẫn, quy trình ứng phó khi có ca nhiễm, nghi nhiễm đến khám tại đơn vị, bao gồm quy trình phân luồng, khám sàng lọc, cách ly, đưa người nhiễm vào khu điều trị.
Bộ Y tế đề nghị, sẵn sàng các khu vực cách ly điều trị hoặc cách ly tạm thời cho người nhiễm, nghi nhiễm sởi, ho gà tùy theo quy mô và chỉ đạo của chính quyền, cơ quan quản lý y tế địa phương.
Cùng với đó, tiến hành điều tra dịch ngay khi có ca bệnh sởi, ho gà đầu tiên. Bảo đảm đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân cần thiết cho nhân viên y tế khám, điều trị, chăm sóc trực tiếp cho các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm sởi, ho gà.
Đối với các trường hợp nhẹ, không có biến chứng, có thể hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà, trạm y tế.