Ngày 8/12, tại Kỳ họp thứ 10 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 là giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới; nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của kinh tế Thủ đô.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, giáo dục; Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền số, nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội.
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2023 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
HĐND Thành phố Hà Nội thông qua 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó GRDP tăng khoảng 7,0%; GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; Vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; Kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%...
HĐND Thành phố Hà Nội cũng thông qua 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tập trung thực hiện trong năm 2023. Trong đó, giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô, phát triển các mô hình kinh tế mới;
Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân...
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu;
Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; Đẩy nhanh công tác quy hoạch; Tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu…
Tiếp đó, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ ngân sách Thành phố Hà Nội và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025.
Chủ tọa kỳ họp thống nhất đề nghị UBND Thành phố Hà Nội rà soát, bổ sung nội dung giải trình về Dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp Thành phố năm 2023, làm cơ sở để các Ban và đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội tiếp tục xem xét, thảo luận trước khi quyết nghị tại Kỳ họp này.
Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Thành phố Hà Nội:
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): khoảng 7,0%.
GRDP bình quân đầu người: khoảng 150 triệu đồng.
Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện: 10,5%.
Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu: 6,0%.
Chỉ số giá tiêu dùng: dưới 4,5%.
Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước: 0,1%.
Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng so với năm trước: 0,1%.
Duy trì 100% xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế: 93,5%.
Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 43%; Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 2,0%.
Tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 39,0%.
Giảm số hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố: 30% (tương đương 890 hộ, 0,04%).
Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị: dưới 4%.
Tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo: 73,2%.
Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm: 81 trường.
Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa": 88%.
Tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa": 64%.
Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa": 73%.
Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch: khu vực đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt 90%.
Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày: 100%.
Xử lý ô nhiễm môi trường: (i) Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đã đi vào hoạt động) có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng: 100%. (ii) Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%. (iii) Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%. (iv) Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: duy trì 28,8%.
Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao tăng thêm: 26 xã; Số xã nông thôn mới kiểu mẫu tăng thêm: 20 xã.