Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 6 tuyến đường sắt đi qua với tổng chiều dài hơn 162 km. Trong khi đó, hiện còn 252 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt; 883 vị trí vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt chưa được xử lý. Đồng thời, các lối đi tự mở chưa được xóa bỏ theo lộ trình, việc xây dựng đường gom nhằm giảm tai nạn còn chậm…
Tháng 10/2019, Hà Nội đã ra quân giải tán các quán cà phê sát đường tàu. Ảnh minh họa |
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, thời gian qua, thành phố đã tích cực phối hợp với ngành Đường sắt tổ chức rào chắn, xóa bỏ lối đi tự mở tại 19 vị trí, thu hẹp lối đi tự mở tại 137 vị trí, xây dựng gờ giảm tốc ở 91 vị trí. Hệ thống gờ giảm tốc này đã phát huy hiệu quả trong việc cảnh báo cho người và phương tiện khi tham gia giao thông… Cùng với đó, các trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt cũng đã được lực lượng chức năng kịp thời kiểm tra, xử lý, giải tỏa.
Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt vẫn diễn biến phức tạp. Nhằm đưa các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, trước mắt thành phố dự kiến sẽ lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động tại một số đường ngang; rà soát các vị trí đường ngang mất an toàn để bố trí người trực cảnh giới. Thành phố sẽ cải tạo mặt đường tại các lối giao cắt và xây dựng gờ giảm tốc, đồng thời, đóng, thu hẹp các lối đi tự mở có bề rộng nhỏ hơn 3 m để hạn chế giao thông…
Cũng theo ông Thắng, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm; phối hợp với ngành Đường sắt nâng cấp các đường ngang cảnh báo bằng biển báo lên thành cảnh báo tự động; tổ chức cắm mốc giới hành lang an toàn giao thông đường sắt; phối hợp thực hiện việc kết nối tín hiệu giao thông đường bộ với đường sắt tại các điểm giao cắt...