Chương trình tư vấn Tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung năm 2023 được triển khai tại 18 trung tâm y tế các huyện/thị xã của thành phố Hà Nội để khám, tầm soát cho 32.500 phụ nữ từ 35-60 tuổi.
Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam có 21.555 ca mắc mới ung thư vú, với 9.345 ca tử vong. |
Chương trình “Truyền thông tư vấn tầm soát phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung” được tổ chức ngày 14/10 với các hoạt động tuyên truyền cổ động, truyền thông và tư vấn của đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội giúp cho cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn huyện Gia Lâm hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung.
Song song với buổi truyền thông, Chương trình tổ chức khám tầm soát phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại trạm y tế xã Dương Quang (huyện Gia Lâm) trong 2 ngày cho 250 phụ nữ.
Sự kiện truyền thông tư vấn, khám tầm soát là Chương trình mở đầu cho Chuỗi sự kiện truyền thông tư vấn, khám tầm soát triển khai đồng loạt tại 18 huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội từ tháng 10 đến tháng 12/2023.
Chương trình là một trong những nội dung quan trọng được Hội Liên hiệp Phụ nữ và Sở Y tế thành phố, Bệnh Viện Ung Bướu Hà Nội phối hợp triển khai Kế hoạch 124/KH-UBND ngày 15/4/2022 của UBND TP.Hà Nội về tầm soát phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 100.750 phụ nữ độ tuổi từ 35-60 tuổi được khám tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung
Ung thư vú và cổ tử cung là những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng tử vong do ung thư ở nữ giới. Theo thống kê của tổ chức Ung thư toàn cầu, tại Việt Nam (năm 2020), mỗi năm có 21.555 ca mắc mới ung thư vú, với 9.345 ca tử vong. Trong đó, có tới 27,6% trường hợp ung thư vú phát hiện ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3,4); tỷ lệ tái phát chiếm 30%.
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 3 và là loại ung thư phổ biến thứ 2 ở nữ giới. Trung bình mỗi năm tại Việt Nam có trên 5.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và có khoảng 2.400 phụ nữ tử vong. Nguyên nhân chính của các tình trạng này là do phụ nữ chưa được khám sàng lọc định kỳ.
Theo các chuyên gia, ung thư vú và ung thư cổ tử cung là căn bệnh có tỷ lệ khỏi bệnh lên đến 90% nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao, chi phí điều trị thấp.
Chính vì vậy, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao là rất quan trọng.
Ngoài ra, để phòng chống hai loại ung thư, chuyên gia khuyến cáo phụ nữ không hút thuốc hoặc sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào khác.
Kiểm tra ung thư thường xuyên (nên kiểm tra đại tràng, vú, tuyến tiền liệt, cổ tử cung và da- xem độ tuổi tầm soát các loại ung thư). Phát hiện ung thư sớm có thể làm tăng đáng kể cơ hội chữa khỏi và giảm nguy cơ tử vong vì căn bệnh này.
Giữ mức tiêu thụ rượu ở mức thấp: Điều này có nghĩa là không quá 2 ly mỗi ngày đối với nam giới và 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ. Giữ lượng rượu ở mức tối thiểu hàng ngày không có nghĩa có thể tất cả đồ uống của mình trong 1 tuần và say sưa vào tối thứ 6.
Bảo vệ làn da của bạn khỏi ánh nắng mặt trời: Sử dụng kem chống nắng mỗi khi bạn ra ngoài trời (loại có chỉ số SPF 30 hoặc cao hơn để chống lại cả tia UVA và UVB. Luôn che chắn bằng mũ rộng và kính râm.
Các hoạt động như đi bộ nhanh, đi xe đạp, khiêu vũ hoặc bất kỳ bài tập nào làm tăng nhịp tim và khiến bạn đổ mồ hôi sẽ có lợi trong việc phòng tránh ung thư.
Giữ cân nặng trong giới hạn bình thường so với chiều cao của bạn. Điều đó có nghĩa là duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 trở xuống. (có thể tính chỉ số BMI của mình bằng máy tính trực tuyến).
Tránh dùng liệu pháp hormone mãn kinh: Nếu cần dùng hormone, hãy hạn chế sử dụng dưới 5 năm để phòng tránh ung thư.
Cân nhắc dùng thuốc sau khi hỏi ý kiến bác sĩ để giảm nguy cơ ung thư. Có một số loại thuốc đã được thử nghiệm và cho thấy có hiệu quả trong việc phòng tránh ung thư vú.
Tránh tiếp xúc với các chất gây ung thư: Phơi nhiễm phóng xạ và một số hóa chất được biết là có thể gây ung thư vú. Do vậy, để phòng tránh ung thư vú hiệu quả thì cần tránh tiếp xúc với các chất gây ung thư.
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp phòng tránh ung thư: Vai trò của chế độ ăn uống trong bệnh ung thư vẫn chưa được xác định, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng, chế độ ăn uống dựa trên thực vật có liên quan đến việc giảm nguy cơ đối với một số bệnh ung thư, đặc biệt là đối với ung thư đại tràng.
Các nguyên tắc bao gồm: Duy trì lượng thịt đỏ không quá 113,4 gam mỗi ngày; tránh các loại thịt đã qua chế biến như xúc xích và thịt xông khói; ăn nhiều loại rau và trái cây không chứa tinh bột mỗi ngày, ít nhất năm phần ăn; và hạn chế tối đa việc uống đồ uống có đường, nước trái cây, đồ tráng miệng và kẹo, bánh mì tinh luyện và bánh mì tròn và khoai tây chiên.