Thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.
Ảnh minh hoạ |
Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện thành phố có 76.807 cơ sở thực phẩm. Công tác quản lý an toàn thực phẩm, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả giúp phòng tránh trường hợp ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm cho người dân.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, ngành Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 30/30 quận, huyện, thị xã;
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tiến hành kiểm tra giám sát thực tế tại 46 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố; thường trực, thành lập các đoàn kiểm tra giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ các sự kiện quan trọng của thành phố và đất nước.
Đồng thời, kiểm tra giám sát điều kiện an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận và 5 huyện trên địa bàn thành phố, gồm: quận Long Biên, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Đống Đa; huyện Đông Anh, Quốc Oai, Phúc Thọ, Ba Vì, Đan Phượng và truy xuất nguồn gốc rau củ quả cung cấp cho bếp ăn tập thể trường học tại 09 cơ sở.
Ngành Y tế triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kiểm tra giám sát định kỳ tiến độ duy trì thực hiện mô hình nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học tại 10 quận, huyện, gồm: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Thanh Xuân, Gia Lâm, Thanh Trì, Mê Linh, Ba Vì.
Sở Y tế Hà Nội tập huấn bồi dưỡng các văn bản quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cho Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩmccác quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn;
Tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm tại quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm; bồi dưỡng nâng cao kiến thức kỹ năng trong quản lý nhà nước về phát triển đô thị, kinh nghiệm làm việc ở các nước tiên tiến xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách về phát triển đô thị xanh thông minh hiện đại gắn với chuyển đổi số.
Liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm, trong 5 tháng đầu năm 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thực hiện cấp 226 giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm; cấp 576 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiếp nhận 2004 bản tự công bố sản phẩm ngành Y tế quản lý…
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết, thành phố tổ chức 03 đoàn thanh kiểm tra hậu kiểm an toàn thực phẩm theo kế hoạch;
Hai đoàn truy xuất nguồn gốc thực phẩm bếp ăn tập thể tại 5 quận, 5 huyện; tổ chức các đoàn giám sát mô hình điểm về an toàn thực phẩm tại các quận, huyện.
Cụ thể, tiến hành thanh kiểm tra 206 cơ sở thực phẩm (thanh tra 76 cơ sở, kiểm tra 130 cơ sở), phát hiện và xử lý vi phạm 38 cơ sở với tổng số tiền hơn 500.000.000 đồng.
Từ nay đến cuối năm, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, sẽ tập trung công tác hậu kiểm cơ sở thực phẩm thuộc ngành Y tế quản lý, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định.
Tổ chức kiểm tra giám sát định kỳ các mô hình điểm: tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát, kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người, đảm bảo an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Cùng với đó, tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện mô hình “Đánh giá thực trạng an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với bếp ăn tập thể khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất năm 2023”; xây dựng kế hoạch và tổ chức mua mẫu thị trường, xét nghiệm mẫu đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, cảnh báo cộng đồng.
Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức về an toàn thực phẩm theo các chuyên đề: Bữa ăn tập thể trường học, bữa cỗ tập trung đông người, thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ năng giám sát tư vấn các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kỹ năng điều tra ngộ độc thực phẩm, kỹ năng về tư vấn giám sát cho mạng lưới cộng tác viên an toàn thực phẩm.
Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền về công tác an toàn thực phẩm tại cơ sở, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng.
Ðối với người tiêu dùng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình.