Dịch sởi đang tăng
Thời gian gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng. Riêng trong tuần qua (từ ngày 11/10 đến 18/10), thành phố có thêm 6 ca mắc, trong đó có 5 trường hợp chưa được tiêm chủng và 1 trường hợp đã tiêm vắc-xin sởi.
Dịch sởi đang tăng tại một số địa phương. |
Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 29 trường hợp mắc sởi, trong khi năm 2023 không ghi nhận ca bệnh. Ông Đào Hữu Thân, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (CDC Hà Nội) cho biết, tình hình dịch sởi đang có xu hướng gia tăng.
Dự báo từ giờ đến cuối năm, đầu sang năm, trên địa bàn có thể tiếp tục ghi nhận các ca mắc sởi. Điều kiện thời tiết hay những trường hợp chưa tiêm chủng đầy đủ sẽ là điều kiện gây gia tăng ca mắc sởi.
Ngoài Hà Nội, dịch sởi cũng đang có diễn biến phức tạp tại các địa phương như: Đắk Lắk, Cần Thơ, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Đơn cử, theo báo cáo của ngành Y tế Thanh Hóa, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng mạnh từ trung tuần tháng 9 đến nay.
Chỉ tính riêng trong tuần đầu của tháng 10/2024, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận các ổ dịch cộng đồng ở nhiều nơi. Các trường hợp mắc sởi chủ yếu từ 1-5 tuổi và dưới 9 tháng tuổi. Đáng lưu ý, hầu hết các trường hợp mắc là các trẻ chưa được tiêm vắc-xin hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng với vắc-xin chứa thành phần sởi.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, tại TP.HCM đã ghi nhận 4 trường hợp trẻ tử vong vì bệnh sởi. Ngành Y tế đang nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát, tuy nhiên dịch bệnh vẫn tiếp tục tăng nhanh, chưa có điểm dừng ở khu vực các tỉnh phía Nam.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, số ca bệnh sởi năm nay tăng mạnh, tính đến tháng 9 vừa qua, số ca bệnh sởi đã tăng gấp 8 lần so với năm 2023.
TS.Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngay từ năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch sởi, trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt, bệnh sởi rất dễ lây, và nguy cơ lây lan dịch sởi trong trường học là rất cao. Hiện tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh sởi khi tỉ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.
Tăng tốc tiêm vắc-xin
Trước tình hình nguy cơ dịch sởi lây lan, bùng phát; các địa phương đang nhanh chóng triển khai tiêm chủng để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, phòng bệnh cho trẻ theo kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin phòng sởi của Bộ Y tế.
Ngày 21/10, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, sau một tuần triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi (tính từ ngày 14/10 đến nay), đã có 29/30 quận, huyện, thị xã tổ chức tiêm; trong đó có 470 điểm tiêm tại trạm y tế và 22 điểm tiêm tại trường học.
Cộng dồn từ ngày 14/10 đến nay, TP đã triển khai tiêm được cho 23.296 đối tượng, trong đó có 22.777 trẻ từ 1-5 tuổi và 519 nhân viên y tế có nguy cơ cao. Cụ thể, có 21.247 trẻ được tiêm tại trạm y tế, 1.530 trẻ được tiêm tại điểm tiêm trường học.
Trước đó, từ ngày 14/10, Hà Nội bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi và tổ chức tiêm vét cho các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng đến hết ngày 15/11/2024.
Qua rà soát thống kê, toàn TP dự kiến có khoảng 70.000 trường hợp thuộc diện tiêm chủng là trẻ từ 1-5 tuổi đang sống trên địa bàn Hà Nội và các nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh, điều trị bệnh nhân sởi trên địa bàn chưa được tiêm đủ mũi theo quy định.
Mục tiêu đặt ra của chiến dịch là trên 95% trẻ từ 1-5 tuổi đang sống, học tập trên địa bàn TP.Hà Nội chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm 1 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi-rubella (MR).
Ngoài ra, trên 95% nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin sởi được tiêm 1 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi-rubella (MR).
Còn tại TP.HCM, theo số liệu của Sở Y tế TP.HCM, tính tới ngày 19/10, tổng số mũi tiêm vắc-xin sởi tích lũy trên địa bàn thành phố đạt 221.873 mũi.
Trong đó, trẻ từ 1-5 tuổi đã tiêm được 46.783 mũi (đạt 100%), trẻ từ 6-10 tuổi là 147.613 mũi (đạt 100%). Tuy nhiên, hiện còn 2 quận, huyện có tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi chưa đạt 95% gồm Cần Giờ (94.04%) và Quận 3 (84.71%).
Sở Y tế TP.HCM đề nghị UBND các quận, huyện chưa đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin cần đẩy nhanh tiến độ để đạt mục tiêu chiến dịch tại quận, huyện.
Đối với những quận, huyện đã đạt tỷ lệ từ 95% trở lên cần duy trì việc cập nhật tình hình trẻ di biến động, tránh để bỏ sót trẻ chưa được tiêm chủng trên địa bàn.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi đã hoàn thành 100% theo kế hoạch. Tuy nhiên, số ca mắc sởi ở trẻ 1-5 tuổi chưa giảm nhiều trong khi số ca mắc ở nhóm 11-17 tuổi đang tăng rất nhanh. Số ca mắc sởi trên 18 tuổi cũng có dấu hiệu tăng và 1 ổ dịch sởi ở người lớn trong nhà máy đã được ghi nhận.
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.
Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh.
Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm.
Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt >95%.
Vì vậy, để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.
Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.