Đầu tư và cuộc sống
Hà Nội: Thay thế cây Phong trồng thử nghiệm không thích ứng với khí hậu
Hạnh Nguyên - 05/04/2021 16:36
Trong số 262 cây Phong được trồng thử nghiệm trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng từ năm 2018, có 45 cây bị chết, số còn lại sinh trưởng, phát triển kém.

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 2788/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn về phương án thay thế cây Phong trồng thử nghiệm trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng.

Cây Phong trồng thử nghiệm trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng sinh trưởng, phát triển kém.

Theo đó, UBND TP Hà Nội chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng tại Văn bản số 1990/SXD-HT ngày 19/3/2021, về phương án thay thế cây Phong trồng thử nghiệm trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng (phương án 1); Giao Sở Xây dựng hướng dẫn các đơn vị tổ chức triển khai theo đúng quy định của pháp luật.

Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận Đống Đa, Cầu Giấy và cơ quan liên quan thông tin công khai, rộng rãi về công tác di dời, trồng thay thế cây bóng mát để Nhân dân biết, ủng hộ trong quá trình triển khai thực hiện.

Trước đó, tại Văn bản số 1990/SXD-HT, Sở Xây dựng Hà Nội có báo cáo rõ về thực trạng theo dõi hệ thống cây xanh trên địa bàn TP, cho thấy cây Phong được Công ty CP Đầu tư Tân Đại Đường tặng và được TP chấp thuận giao cho Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội để trồng thử nghiệm trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng sinh trưởng phát triển kém. Từ năm 2018 bắt đầu triển khai thực hiện, tổng số lượng 262 cây Phong (Trần Duy Hưng: 143 cây, Nguyễn Chí Thanh: 119 cây).

“Trong thời gian hơn 2 năm được trồng thử nghiệm, thí điểm tại Hà Nội, bước đầu cho thấy, cây chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội. Trong đó có 45 cây chết và 217 cây số cây sống, hiện trạng các cây sinh trưởng, phát triển kém, một số bị chết làm ảnh hưởng đến cảnh quan của tuyến phố. Lá sau một thời gian bị héo, cành, nhánh bị khô và hay bị sâu bệnh”, văn bản nêu.

Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đề xuất phương án thay thế cây Phong, cụ thể: Phương án 1: Trồng bằng toàn bộ cây Bàng lá nhỏ, có đường kính thân cây (D1.3m): 10cm - dưới 15cm và chiều cao vút ngọn (HyN): 6 - 8m; Phương án 2: Trồng đan xen giữa 1 cây Bàng lá nhỏ có đường kính thân cây (D1,3m): 10cm - dưới 15cm và chiều cao vút ngọn (HyN): 6 - 8m và 1 cây Cọ dầu, có đường kính thân cây (D13m): 40 - 60cm và chiều cao lộ thân (HL) trên 2m. Các cây trồng có thân thẳng, dáng cân đối, phân cành cao để không làm ảnh hưởng đến giao thông, bổ sung các giá đỡ giỏ hoa trang trí để phục vụ các kỳ cuộc. 

UBND TP Hà Nội chấp thuận phương án trồng bằng toàn bộ cây Bàng lá nhỏ, có đường kính thân cây (D1.3m): 10cm - dưới 15cm và chiều cao vút ngọn khoảng 6 - 8m.

Về nguồn vốn thực hiện, đối với công tác dịch chuyển cây Phong, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đề xuất được thực hiện bằng nguồn kinh phí của đơn vị và của Công ty CP Đầu tư Tân Đại Đường; Đối với công tác trồng cây thay thế, duy trì cây dưới 2 năm tuổi, sử dụng nguồn sự nghiệp kinh tế của TP Hà Nội bổ sung kinh phí thực hiện trong 10% chi phí dự phòng của gói thầu số 2 và số 4 theo địa bàn của gói thầu giao Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện.

Về công tác tổ chức thực hiện, giao Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội chủ động phối hợp cùng Công ty CP Đầu tư Tân Đại Đường thực hiện thu hồi các cây Phong. Thực hiện trồng thay thế bằng chủng loại cây khác trên dải phân cách Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng theo phương án được duyệt; Giao Sở Thông tin và truyền thông phối hợp với Sở Xây dựng và Công ty CP Đầu tư Tân Đại Đường tổ chức thông tin rộng rãi về công tác trồng thử nghiệm và sự cần thiết phải thay thế cây Phong để Nhân dân, công luận biết ủng hộ trong quá trình triển khai thực hiện theo quy định. Thời gian thực hiện năm 2021.

Tin liên quan
Tin khác