UBND TP. Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án giao thông kết nối, có tính chất cấp thiết. |
Cán đích năm 2020
Mới đây, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội bắt đầu thực hiện phương án phân luồng tổ chức giao thông phục vụ vận chuyển dầm cho Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường Vành đai 3. Đây là một trong nhiều hoạt động diễn ra từ đầu năm đến nay để đẩy nhanh tiến độ dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm của TP. Hà Nội và quận Hoàng Mai này.
Liên quan đến đường Vành đai 3, đoạn từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long dài 5,5 km, gồm đường cao tốc trên cao và đường mở rộng bên dưới, sau gần 2 năm thi công đã đạt trên 70% tiến độ. Theo Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông, ông Phạm Hoàng Tuấn, do nhận mặt bằng chậm hơn 4 tháng so với dự kiến, nên thay vì về đích vào tháng 8, dự án này được Bộ Giao thông - Vận tải điều chỉnh hạn chót thông xe toàn tuyến vào tháng 12/2020.
Cùng với đường Vành đai 3, tuyến Vành đai 2 trên cao Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy khởi công từ tháng 4/2018, hiện đã hoàn thiện nhiều đoạn, trong đó đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng hoàn thiện khoảng 80%. Tuyến đường dài 5 km, tổng mức đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng này dự kiến khánh thành vào cuối năm nay.
Trong khi đó, Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sắp tới đây sẽ được bàn giao cho TP. Hà Nội tiếp quản, vận hành và trả nợ các khoản vay đầu tư, xây dựng. Theo Bộ Giao thông - Vận tải, vướng mắc của dự án hiện nay là vấn đề thanh toán, quyết toán, nhất là việc tuân thủ kết luận liên quan của Kiểm toán Nhà nước mà hai bên chưa đạt được thống nhất. Diễn biến của dịch Covid-19 cũng sẽ làm chậm tiến độ vận hành thử và bàn giao Dự án cho TP. Hà Nội so với kế hoạch đề ra.
Giải pháp cấp bách
Theo thống kê, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới của Hà Nội đạt 9,75% (tiêu chuẩn là 20 - 26%), mật độ đường giao thông đạt 1,7 km/km2 (tiêu chuẩn là 4,0 - 6,5 km/km2), diện tích đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1% (tiêu chuẩn là 3 - 4%), tỷ lệ vận tải hành khách công cộng là 17,03% (tiêu chuẩn 50 - 55%).
Điều đó cho thấy, kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội đang bị quá tải. Trước thực tế này, đầu tháng 3/2020, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án giao thông kết nối, có tính chất cấp thiết. Theo đó, với Dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn II và Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3, UBND Thành phố yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, gửi Sở Giao thông - Vận tải tổ chức thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt trong quý II/2020.
Với Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao cập nhật, bổ sung danh mục đầu tư công trung hạn, báo cáo UBND trình HĐND Thành phố xem xét bố trí kế hoạch vốn cho Dự án để thực hiện lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Đồng thời, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội (chủ đầu tư) phối hợp với UBND quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì thực hiện ngay giải phóng mặt bằng dự án theo chỉ giới đường đỏ và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình UBND Thành phố phê duyệt trong quý II/2020...
Về Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tại buổi làm việc với các bộ, ngành, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố về các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn diễn ra mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã đề nghị thành lập tổ công tác để xây dựng kế hoạch, phân loại các công việc của Ban Quản lý dự án, tổng thầu, từng bộ, ngành và báo cáo Chính phủ quyết định để nghiệm thu, bàn giao, vận hành có điều kiện, thúc đẩy Dự án sớm đi vào hoạt động.