TP HCM xếp thứ 2 trong top thành phố năng động nhất thế giới của JLL. Ảnh: AFP |
Hãng dịch vụ quản lý đầu tư JLL (Mỹ) vừa ra báo cáo về các thành phố năng động nhất thế giới năm nay - 2017 City Momentum Index (CMI). Những yếu tố đặc trưng nhất của các thành phố này là công nghệ và đột phá. Những nơi có thể hấp thụ, thích nghi và tận dụng tốt lực đẩy này sẽ được xếp đầu.
Dù các thành phố rải rác khắp toàn cầu, hơn nửa trong top 30 là đến từ châu Á - Thái Bình Dương. Bangalore - trung tâm công nghệ của Ấn Độ - dẫn đầu danh sách năm nay. Trên thực tế, Ấn Độ cũng vượt Trung Quốc về số thành phố thay đổi nhanh nhất thế giới, với 6 đại diện trong top 30, hơn một so với Trung Quốc.
Việt Nam có hai cái tên trong top 10, là TP HCM (thứ 2) và Hà Nội (thứ 8). Cả hai đều được đánh giá "có tiềm năng cao" và sẽ tiếp tục thu hút vốn từ nước ngoài. Các nhà đầu tư đang đặt cược vào sự chuyển dịch của hai thành phố, từ sản xuất dựa vào nhân công giá rẻ sang hoạt động sản xuất giá trị cao.
Những cái tên khác trong top 10 là Hyderabad (Ấn Độ), London (Anh), Austin (Mỹ), Boston (Mỹ) và Nairobi (Kenya).
Dù châu Á - Thái Bình Dương vẫn đóng góp nhiều đại diện trong top 30, đà tăng trưởng đã giảm tốc tại một số thành phố. Tokyo và Seoul nằm trong top 20 năm ngoái, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế ngắn hạn và bất động sản giờ đã chậm hơn. Singapore và Hong Kong cũng nằm trong top thành phố cạnh tranh nhất thế giới. Nhưng Singapore đang chịu tác động từ tăng trưởng ì ạch, lực lượng lao động suy giảm và thị trường bán lẻ, văn phòng xuống dốc. Còn bất động sản thiếu các yếu tố nền tảng là nguyên nhân khiến Hong Kong tụt hạng.
Dù vậy, CMI không phải công cụ đánh giá thành phố tốt nhất để đầu tư. Nó chỉ phát hiện thành phố nào có thể có vị thế tốt nhất để cạnh tranh trong môi trường biến đổi liên tục như hiện nay. Bên cạnh đó, dù thứ tự thay đổi, London, Thượng Hải và Thung lũng Silicon vẫn luôn nằm trong top 10, từ khi danh sách này được công bố lần đầu năm 2014.
CMI đánh giá 42 yếu tố tại 134 thành phố. Chúng có thể chia làm 3 nhóm - 2 nhóm phản ánh sức mạnh với các thay đổi ngắn hạn và một quyết định sự bền vững của kinh tế trong dài hạn.
Nhóm đầu đóng góp 40% kết quả xếp hạng tổng, gồm các chỉ số kinh tế - xã hội như GDP, dân số, người đi máy bay, các trụ sở doanh nghiệp và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhóm 2 chiếm 30%, tập trung vào đà tăng trưởng của bất động sản thương mại. Còn nhóm 3 gồm sức mạnh công nghệ, đột phá, tiếp cận giáo dục và chất lượng môi trường.