Đội tàu du lịch duy nhất trên sông Hồng của Hà Nội bị đình chỉ chưa biết đến khi nào vì không có nơi đón khách (ảnh chụp năm 2013, thời điểm đội tàu đang hoạt động) |
Đắp chiếu hoặc chạy chui
Cách đây không lâu, lực lượng liên ngành cảng vụ, thanh tra, cảnh sát đường thủy Hà Nội đã lập biên bản vi phạm và đình chỉ hoạt động đối với 3 tàu du lịch chuyên chạy tuyến sông Hồng, Đuống của Xí nghiệp Đầu tư và phát triển du lịch sông Hồng. Lý do duy nhất là các phương tiện này neo đậu, đón trả khách trên sông Hồng tại vùng nước trước chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) vốn không phải là cảng, bến khách.
Có mặt tại buổi làm việc, PV Báo Giao thông rất ngạc nhiên bởi đại diện của đơn vị trên “xung phong” nộp phạt vi phạm hành chính vì… không tránh được vi phạm. Tuy nhiên, họ cũng lại mong lực lượng thi hành công vụ xem xét điều kiện thực tế để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho phương tiện được hoạt động để đảm bảo việc làm cho người lao động. Bởi, doanh nghiệp không còn cách lựa chọn nào khác ngoài việc đắp chiếu phương tiện vô thời hạn hoặc liều chạy chui.
Ông Nguyễn Chí Thành
Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư và phát triển du lịch sông Hồng
Ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư và phát triển du lịch sông Hồng nêu lý do: “Chúng tôi đã kinh doanh vận chuyển du lịch bằng phương tiện thủy trên sông Hồng, Đuống được 14 năm. Trước kia, xí nghiệp thuê bến phà Chương Dương cũ làm nơi phương tiện neo đậu, đón trả khách, nhưng từ năm 2014 đến nay do khu vực này bị bồi lấp cạn nên không được cấp phép nữa. Chúng tôi cũng đã tìm nơi neo đậu khác, nhưng dọc sông Hồng, Đuống qua Hà Nội chưa có bến, cảng thủy hành khách nào.
Trong khi để nạo vét bến Chương Dương ước tính cần đến vài trăm tỷ đồng, chúng tôi không đủ lực làm”, ông Thành nói và cho biết thêm, ba tàu du lịch trên chở được từ 40 - 150 khách, có giá trị 1-3 tỷ đồng, đáp ứng điều kiện về đăng kiểm, đăng ký, người lái và chỉ thiếu nơi đậu đỗ được cấp phép. Trung bình mỗi năm đội tàu này đón 8.000 - 10.000 lượt khách du lịch, trong đó khoảng 10% là du khách nước ngoài.
Về vấn đề trên, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II tại Hà Nội Phạm Thắng cho biết, doanh nghiệp trên đã vài lần bị xử phạt hành chính vì neo đậu, đón trả khách không đúng nơi quy định. “Dù đây là đội tàu du lịch sông Hồng duy nhất của Hà Nội và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi tàu bị đình chỉ hoạt động, nhưng vì sự an toàn của du khách nên cảng vụ không thể “lờ” đi. cảng vụ cũng chỉ có thể hướng dẫn doanh nghiệp kiến nghị chính quyền thành phố có cơ chế hỗ trợ đầu tư”, ông Thắng nói.
Tàu nơi khác cũng “đỏ mắt” tìm bến đỗ
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ tàu du lịch của Hà Nội không có bến khách để neo đậu mà ngay cả các tàu du lịch từ nơi khác đưa đến sông Hồng cũng “đỏ mắt” tìm nơi đậu đỗ, đưa khách lên bờ, dù chỉ là nơi đậu đỗ tạm. Từ khoảng tháng 7/2015, tàu SG-6320 của Công ty CP Du lịch và thương mại trải nghiệm châu Á được phép chở khách (chủ yếu người nước ngoài) từ Quảng Ninh về sông Hồng, Hà Nội, nhưng không tìm được bến neo đậu nên hủy một số chuyến.
Mãi đến tháng 2 vừa qua, tàu mới đi chuyến đầu tiên đến Hà Nội và chọn phương án ban đầu đỗ tại một bến khách ngang sông trên sông Hồng thuộc địa bàn huyện Thường Tín. Nhưng vì xa nội thành nên sau đó đỗ tạm gần một bến ngang sông thuộc huyện Thanh Trì và dùng phương tiện khác chuyển tải khách vào bờ. Điều này khiến tiềm năng du lịch, vận tải khách bằng đường thủy của Hà Nội thua xa các địa phương khác nhất là TP.HCM, Đà Nẵng…
Khó khăn của doanh nghiệp chắc sẽ khó có lời giải, bởi theo bà Nguyễn Thị Minh Tú, Trưởng phòng Quản lý Giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), bất cập của Hà Nội hiện nay là chưa có cảng, bến khách trên sông Hồng đủ điều kiện để phục vụ phương tiện du lịch. Trong khi trước đây, Hà Nội từng có bến phà Chương Dương cũ nhưng nay không còn sử dụng được và cũng vướng mặt bằng, hay một bến khác được xây dựng tại Bát Tràng song lại làm theo kiểu bến nghiêng (thay vì phẳng) nên cũng không sử dụng được.
“Cơ quan quản lý cũng muốn năm 2016 này có văn bản đề xuất thành phố đầu tư bến khách trên sông Hồng để thay thế các bến trước kia. Thế nhưng cũng khó khăn về vốn, vì chỉ tính phương án sửa lại bến ở Bát Tràng cũng mất tới 30 tỷ đồng”, bà Tú nói.