Viễn thông - Công nghệ
Hạ tầng Internet - Viễn thông: Nền tảng cho hội nhập kinh tế số
Hữu Tuấn - 22/11/2017 10:11
Sau 20 năm vào Việt Nam, hạ tầng Internet - viễn thông trở thành bệ phóng vững chắc cho doanh nghiệp Việt hội nhập, cạnh tranh với thế giới.

Mở “sân chơi lớn” cho đất nước

Ngày 19/11/1997 đã đi vào lịch sử Internet Việt Nam với Lễ ấn nút mở cửa Internet, đưa Việt Nam kết nối với xa lộ thông tin của thế giới. Ngay tại sự kiện ý nghĩa đó,  NetNam - tiền thân là mạng Varenet của Viện Công nghệ thông tin, VNPT cùng FPT, Saigon Postel đã nhận giấy phép và trở thành những nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đầu tiên tại Việt Nam.

Lịch sử Internet Việt Nam sẽ mãi không quên những con người đã dành tâm sức của mình mang Internet về Việt Nam như: TS. Mai Liêm Trực, ông Trần Bá Thái, TS. Chu Hảo; GS. Đặng Hữu, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh, GS-TSKH Đỗ Trung Tá, GS. Bạch Hưng Khang, GS. Phan Đình Diệu, ông Vũ Hoàng Liên, TS. Trương Gia Bình…

Quang cảnh lễ khai trương dịch vụ Internet Việt Nam 20 năm trước (ảnh tư liệu)

20 năm qua, từ con số không tròn trĩnh, Việt Nam đã xây dựng được một hạ tầng hiện đại ngang tầm với nhiều nước trên thế giới. Việt Nam đã kết nối với nhiều  tuyến cáp quang biển quốc tế: AAG, SMW3, IA, APG và AAE-1; Hàng triệu km cáp quang, ADSL kết nối phủ 100% số xã, phường cả nước với tốc độ kết nối Internet trung bình  đạt 9,5 Mbps, xếp hạng 58 trên thế giới; Việt Nam hiện có hơn 400.000 tên miền “.vn”, khẳng định thành tựu phát triển mạnh mẽ của Internet…

Tính tới hết ngày 30/6/2017, Việt Nam đã có 64 triệu người dùng Internet, tương ứng với 67% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á (theo Internetworldstats).

Sau 20 năm, Việt Nam là quốc gia có hạ tầng viễn thông 2G, 3G, 4G phủ sóng trên cả nước với hệ thống hơn 150.000 trạm BTS. Tỷ lệ người dùng di động đạt hơn 128 triệu thuê bao, trong đó có hơn 36,2 triệu thuê bao băng rộng di động và gần 11 triệu thuê bao Internet.

Những con số này cho thấy, hạ tầng viễn thông - Internet đang là bệ phóng cho sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Internet như cơm bình dân

Chắc hẳn 20 năm trước, thế hệ những người mở đường đưa Internet về Việt Nam không thể hình dung được Internet đã làm thay đổi sâu, rộng đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam như bây giờ. Gần như mỗi ngành, lĩnh vực kinh tế đều gắn với sự phát triển của Internet, đều sử dụng ứng dụng Internet vào hoạt động điều hành, sản xuất - kinh doanh.

Nhờ có Internet, Việt Nam đã hình thành những ngành công nghiệp mới như ngành sản xuất phần mềm, ngành công nghiệp nội dung số, ngành giải trí… Với Internet, các ngành thương mại điện tử, du lịch, nông nghiệp, báo chí - xuất bản, quảng cáo… đã phát triển một cách mạnh mẽ.

Hôm nay (22/11), trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam và Internet Day 2017, diễn ra Tọa đàm “Internet: Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số”.

Các diễn giả, chuyên gia, nhà quản lý thẳng thắn nhìn nhận, phân tích, đánh giá về những cơ hội và thách thức đang đặt ra cho ngành Internet Việt Nam. Trên cơ sở đó, đưa ra những kiến nghị, đề xuất tới Chính phủ để đảm bảo thị trường Internet có thể phát triển bền vững trong những thập niên tới. 

Ở lĩnh vực quản lý nhà nước, chính phủ điện tử đã được xây dựng với gần 125.000 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có gần 1.400 dịch vụ công mức độ 4 tại các lĩnh vực như thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, giáo dục…; Hệ thống chính quyền điện tử và thành phố thông minh đang được xây dựng tại nhiều địa phương. Internet đã trở thành hơi thở của cuộc sống.

Internet đã thu hẹp khoảng cách thành thị và nông thôn. Nhờ Internet, hàng hoá, sản phẩm làm ra được tiếp thị, quảng bá và xuất khẩu ra nước ngoài chỉ bằng vài click chuột. Không dừng ở đó, nhiều mô hình kinh doanh truyền thống đã chuyển đổi sang mô hình kinh doanh dựa hoàn toàn trên Internet như đặt dịch vụ ăn uống, book phòng ở, khách sạn, mua vé máy bay…

Sau 20 năm phát triển, người Việt Nam không chỉ làm chủ một hạ tầng công nghệ rộng khắp, tốc độ cao, hệ thống trạm BTS 3G, 4G phủ khắp cả nước, mà còn hình thành nên một thế hệ doanh nghiệp công nghệ lớn mạnh như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT, VNG, VCCorp, CMC, NetNam… làm chủ công nghệ mới, tạo ra những ngành công nghiệp nội dung số lớn mạnh tại Việt Nam.

Internet đã tạo tiền đề cho nhiều làn sóng start-up công nghệ diễn ra mạnh mẽ với các thế hệ khởi nghiệp, từ máy PC, phần mềm, từ nội dung số và bây giờ là trên nền tảng  công nghệ tiên tiến nhất thế giới như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo…

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2016, tổng doanh thu phát sinh toàn ngành Thông tin và Truyền thông đạt hơn 1,337 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực CNTT ước đạt 939.400 tỷ đồng, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực viễn thông ước đạt 365.500 tỷ đồng và tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực báo chí ước đạt 13.912 tỷ đồng...

Thách thức trong thời kỳ mới

Mặt dù đạt được nhiều thành tựu rực rỡ sau 20 năm Internet vào Việt Nam, nhưng thời điểm hiện tại, ngành nội dung số Việt Nam bị chững lại, thị phần rơi vào tay công ty nước ngoài, với 95% thị phần mạng xã hội thuộc về Facebook, YouTube, 98% thị phần công cụ tìm kiếm thuộc về Google; mảng thư điện tử thì 98% là của Gmail, Yahoo; 80% thị phần thương mại điện tử là của doanh nghiệp nước ngoài.

Về quảng cáo trực tuyến, hai mạng xã hội lớn nhất là Facebook và YouTube đã chiếm tới 80% với doanh thu 350-400 triệu USD/năm... Trong khi đó, doanh thu và  đóng góp của ngành nội dung số Việt Nam đang bị giảm mạnh. Năm 2016 chỉ đạt 739 triệu USD, giảm gần 50%  so với mức hơn 1,4 tỷ USD của năm 2012.

Những câu chuyện nóng bỏng trong thời gian qua như Facebook, Google chiếm thị phần quảng cáo lớn, thương mại điện tử bị nước ngoài thâu tóm; du lịch thông minh như Booking, Agoda, Traveloka… đang lấn át doanh nghiệp trong nước; taxi công nghệ mới Grab, Uber lấy mất thị phần của taxi truyền thống, hay câu chuyện Alibaba đang tham vọng thâu tóm ngành thanh toán điện tử của Việt Nam… là những vấn đề nóng bỏng đặt ra cho các doanh nghiệp nội dung số.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng giám đốc VTC Intecom nhận định: “Công nghệ phát triển nhanh, nhưng chính sách quản lý chưa bắt kịp. Khi doanh nghiệp Việt đang chịu quản lý rất chặt, trong khi chưa có giải pháp quản lý với doanh nghiệp nước ngoài, đã vô tình tạo ra sự “bảo hộ ngược” cho doanh nghiệp nước ngoài. Chính vì thế dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp Việt, giúp các ứng dụng dịch vụ nội dung số của nước ngoài phát triển rất nhanh. Nếu nhìn từ góc độ người dùng thì nội dung số đang phát triển, nhưng các doanh nghiệp Việt thì lại cảm thấy ngày càng lép vế trên chính sân nhà của mình”.

Lấy ví dụ, những dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google cung cấp như một kênh siêu truyền hình, siêu báo chí, siêu quảng cáo, thu lợi nhuận khổng lồ, nhưng lại không cần cấp phép nội dung, trong khi doanh nghiệp Việt Nam muốn làm mạng xã hội hay nội dung số phải qua “rừng giấy phép”. 

CEO của VCCorp, ông Nguyễn Thế Tân cho rằng, cơ chế quản lý đang “trói” các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam. Đặc thù của ngành nội dung số là làm ra sản phẩm mới, chưa có quy định trong quá khứ, nhưng muốn cấp phép phải làm một thứ giống như trong quá khứ mới được cấp, các công ty lớn khi thấy không chắc được cấp phép thì lại thôi, thành ra bị cản trở sáng tạo.

“Doanh nghiệp toàn cầu như Google, Facebook đi thẳng vào Việt Nam để cạnh tranh, không cần nhân sự, không cần tổ chức, vượt qua mọi rào cản để cạnh tranh xuyên biên giới, kinh doanh ngay trên đất của mình. Họ có công nghệ hiện đại, được tự do sáng tạo, trong khi doanh nghiệp Việt thì bị thua thiệt đủ thứ. Dần dà họ sẽ chiếm hết thị phần của doanh nghiệp Việt Nam, đến lúc chiếm 70-80% thị phần thì lúc đó, chúng ta sẽ mất tất cả”, ông Tân nói.

Để ngành công nghiệp Internet, nội dung số và ứng dụng di động của Việt nam có thể phát triển một cách bền vững, thậm chí là đủ lớn mạnh để tiến ra thế giới trong 5 - 10 năm tới, thị trường đang rất cần những chính sách và giải pháp từ phía Nhà nước và cơ quan quản lý. Các doanh nghiệp trong nước đang chờ đợi một cơ chế cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các doanh nghiệp ngoài nước, khi hai bên được đứng trên cùng một sàn đấu, hưởng những quyền lợi và chịu những trách nhiệm tương đồng. Đó cũng là hướng tiếp cận mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, khi họ luôn cố gắng tạo ra cho thị trường có nhiều nhà cung cấp dịch vụ cùng tồn tại.

Ý kiến - Nhận định:

 Đừng làm lỡ cơ hội lần thứ hai của Internet là IoT

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện

 Chúng ta không được để lỡ, không chậm chân trong cách mạng công nghiệp 4.0. Cần phải tạo niềm tin cho đất nước, cho các nhà lãnh đạo, cho mỗi người dân và mỗi doanh nghiệp là Việt Nam có thể làm được điều này. Đừng có quá lo ngại mà vì thế hạn chế sự phát triển. Tư duy cấm đoán đã lạc hậu rồi. 20 năm trước, thế hệ chúng tôi đã dũng cảm để đưa Internet vào Việt Nam, thì không có lý gì 20 năm sau, chúng ta lại vẫn giữ sự sợ hãi làm lỡ cơ hội lần thứ hai của Internet là IoT.

Internet đã đưa Việt Nam thoát ra khỏi cảnh ốc đảo

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT

20 năm trước, Internet mở ra không gian sống mới, không gian số cho mỗi người, trong đó có không gian giao tiếp, làm việc, học tập, giải trí. Internet đã đưa Việt Nam thoát ra khỏi cảnh ốc đảo, cảnh cô lập CNTT với thế giới. Ngày nay, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Internet là nền tảng hạ tầng của cuộc cách mạng này. Cơ hội cho doanh nghiệp là rất lớn.

Cạnh tranh đem lại hiệu quả và sức sống mới

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Việc chúng ta mở cửa và cho phép cạnh tranh là tất yếu, chính cạnh tranh đem lại hiệu quả và sức sống mới, cho nên về dài hạn, không có lý do gì mà Việt Nam không mở cửa cạnh tranh. Vấn đề là tốc độ mở như thế nào để điều chỉnh phí tổn giảm thiểu và cạnh tranh lành mạnh để doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp địa phương dần học được và lớn mạnh mới là nghệ thuật quản lý.

Tin liên quan
Tin khác