(baodautu.vn) Thưa ông, có thể nhìn nhận thế nào về tiềm năng, lợi thế Vùng Tây Nguyên?
Đây là một vùng đất có diện tích rộng lớn, có nhiều tiềm năng để khai thác khoáng sản, đặc biệt là bô-xít, phát triển nông - lâm nghiệp chất lượng cao, và cũng có lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa…
|
Có nhiều tiềm năng như vậy, nhưng vì sao thời gian qua, thu hút đầu tư vào Tây Nguyên còn hạn chế. Theo ông, cần làm gì để có thể khắc phục và tăng cường thu hút đầu tư vào khu vực này?
Cho tới thời điểm này, Tây Nguyên vẫn là vùng có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội còn chậm so với cả nước. Thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn rất hạn chế, với 140 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 828 triệu USD. Đây là con số chưa tương xứng với tiềm năng của Vùng.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tôi cho rằng, lý do lớn nhất là vì cơ sở hạ tầng của Tây Nguyên còn rất khó khăn. Ngoài đường hàng không, có thể nói là tạm ổn, với ba sân bay quy mô nhỏ là Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Pleiku, thì đường sắt chưa có. Trong khi đó, với đường bộ, tuyến đường huyết mạch của Tây Nguyên chính là Quốc lộ 14, nhưng đã đầu tư nhiều năm nên xuống cấp nhiều. Chưa kể, hệ thống các đường giao thông “xương cá” giữa các địa phương trong Vùng. Giao thông khó khăn, nhất là việc chưa có đường sắt, khiến cho việc đầu tư, phát triển khai thác quặng bô-xít là một thách thức lớn.
Khó khăn nữa với Tây Nguyên là nguồn cung nhân lực có tay nghề cho phát triển kinh tế - xã hội cũng rất hạn chế.
Để tăng cường thu hút đầu tư vào Tây Nguyên, thì kết cấu hạ tầng phải đi trước một bước.
Thưa ông, chúng ta cần và có tiềm năng tăng cường thu hút đầu tư vào những lĩnh vực nào ở Tây Nguyên?
Như tôi đã nói ở trên, cơ sở hạ tầng là một trong những ưu tiên hàng đầu, nhằm tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội toàn Vùng. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên tới đây, sẽ có những định hướng để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, mà trước hết và quan trọng nhất là Quốc lộ 14 và các đường nhánh. Có thể sẽ phân kỳ đầu tư và huy động mọi nguồn lực, từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn FDI… vào đầu tư các công trình lớn về hạ tầng giao thông.
Đầu tư phát triển trồng rừng cũng rất quan trọng với Tây Nguyên. Trồng rừng để tăng tỷ lệ che phủ, đồng thời kết hợp với phát triển nông - lâm nghiệp chất lượng cao, có sức cạnh tranh, ứng dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…, với các loại cây trồng như cao su, cà phê, các loại rau, hoa… Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp có lẽ cũng sẽ tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản, lương thực, thực phẩm, hướng vào chế biến các sản phẩm có lợi thế về nguyên liệu.
Công nghiệp khai khoáng và chế biến, với sản phẩm chính là bô-xít, tiến tới chế biến alumina, xa hơn là nhôm cũng có thể được tính đến, nhưng chỉ là khi đã hội đủ các điều kiện cần thiết.
Một hội nghị tương tự cũng đã vừa diễn ra tại Tây Bắc. Tại đây, các nhà đầu tư đã đề xuất nên có các cơ chế ưu đãi đầu tư đặc thù. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Câu hỏi đặt ra là đặc thù đến mức độ nào? Thực ra, chúng ta cũng đã có các cơ chế ưu đãi đầu tư vào các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, như Tây Bắc hay Tây Nguyên, nhưng tới đây, cũng phải rà soát lại để có thể tăng ưu đãi đầu tư. Tôi cho rằng, các chính sách ưu đãi đầu tư vào hạ tầng hay nông nghiệp công nghệ cao… là cần thiết để khu vực này có thể phát triển mạnh mẽ hơn.
Mặc dù vậy, có một điểm khác biệt khi đầu tư vào Tây Nguyên. Đó là nếu lấy lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu thì rất khó. Điều quan trọng là phải hài hòa lợi ích, làm sao phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa Tây Nguyên và các vùng kinh tế khác. Đầu tư vào Tây Nguyên là phải xác định như vậy.
Chính vì thế, trong thu hút đầu tư vào vùng này, chúng tôi chú trọng kêu gọi các nhà tài trợ, các đối tác phát triển hỗ trợ phát triển đường giao thông nông thôn, hệ thống các trường học, bệnh viện, lưới điện… Cũng chính vì thế, bên cạnh mục tiêu xúc tiến đầu tư, chúng tôi còn quan tâm tới khía cạnh an sinh xã hội cho khu vực Tây Nguyên. Tại Hội nghị, sẽ có sự xuất hiện của các nhà tài trợ đã và đang đầu tư cho Tây Nguyên, như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)…
Chúng tôi không kỳ vọng Tây Nguyên trở thành vùng trọng điểm về phát triển kinh tế, mà quan trọng là, làm sao thu hút đầu tư để khu vực này có tốc độ phát triển nhanh hơn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm ổn định về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng.
Hà Nguyễn