Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm ký biên bản ghi nhớ hợp tác về đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn giai đoạn 2022 – 2026. Nguồn HTTV. |
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, thời gian qua, Hà Tĩnh từng bước hình thành và phát triển một số mô hình, chuỗi liên kết sản xuất; qua đó thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới, cơ giới hóa sản xuất, giúp ngành nông nghiệp phát triển ổn định.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân (2010-2020) đạt trên 3,2%/ năm, năm 2021 trên 3,87%; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích hiện đạt trên 96 triệu đồng/ha (năm 2010 là 45 triệu đồng/ha); cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng cơ cấu chăn nuôi trong nông nghiệp từ 34,37% (2010) lên trên 53% (2022), giảm tỷ trọng trồng trọt từ 59% xuống còn dưới 45%.
Ông Việt cũng thông tin, về mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thời gian qua các địa phương của tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm triển khai, bước đầu đưa lại hiệu quả song con số báo cáo ở một số địa phương chưa thật chính xác; những khó khăn, vướng mắc khi vận động người nông dân triển khai các mô hình chưa được phản ánh đầy đủ.
Do vây, Sở đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo, sơ, tổng kết mô hình, nhân rộng các mô hình hiệu quả để tỉnh Hà Tĩnh thời gian tới có nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch.
Về thu hút đầu tư, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và giao đất, cho thuê đất đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua thống kê, từ năm 2020 đến nay, có 35 Dự án về nông nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 20 Dự án thuộc thẩm quyền UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất (đã có 4 Dự án được bàn giao đất cho chủ đầu tư; còn 16 Dự án chưa được thuê đất).
Về phương hướng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh, các sở ngành tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các cam kết; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư Dự án. Đối với các Dự án manh mún, nhỏ lẻ, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; các ngành, địa phương cân nhắc kỹ lưỡng.
Mặt khác, để mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào nghiên cứu, khảo sát, đầu tư các Dự án lớn, tỉnh cũng như các địa phương phải tạo quy mô diện tích quỹ đất sạch, vùng tập trung đáp ứng các điều kiện.
Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng nhấn mạnh, phát triển các mô hình liên kết là yếu tố cốt lõi trong sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường, qua đó phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Do vậy, theo ông Hải, thời gian tới phải tiếp tục tập trung vấn đề này, nhất là tập trung, tích tụ ruộng đất, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã làm vai trò chủ chốt trong liên kết chuỗi, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại; yêu cầu xây dựng các mô hình phải thực sự hiệu quả về chi phí sản xuất, khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ.
Tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII, ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã đề ra nhiệm vụ trong năm 2023 là tập trung thực hiện hiệu quả Đề án Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tổ chức sơ kết đánh giá các mô hình, chuỗi liên kết nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn.