UBND tỉnh Hải Dương vừa phê duyệt, xếp hạng thêm 60 sản phẩm OCOP thuộc đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hải Dương (OCOP Hải Dương) năm 2020 của 31 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, trong đó có 36 sản phẩm 3 sao và 24 sản phẩm 4 sao. Như vậy, đến nay, tỉnh đã có 73 sản phẩm OCOP gồm có 37 sản phẩm 3 sao và 36 sản phẩm 4 sao.
Các sản phẩm trên được UBND tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP được sử dụng nhãn hiệu OCOP, thứ hạng sao trên bao bì trên sản phẩm và chủ sở hữu sản phẩm được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định. Kết quả xếp hạng sản phẩm OCOP có giá trị thời hạn trong 03 năm, kể từ ngày được quyết định công nhận sản phẩm.
Năm 2021, Hải Dương phấn đấu xây dựng ít nhất 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 20 sản phẩm đạt 4 sao và 30 sản phẩm đạt 3 sao |
Theo UBND tỉnh Hải Dương, trong năm 2021, Hải Dương phấn đấu xây dựng ít nhất 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 20 sản phẩm đạt 4 sao và 30 sản phẩm đạt 3 sao.
Để đạt được số sản phẩm này, Hải Dương tập trung hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới, đồng thời hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các bên tham gia chương trình OCOP.
Theo đó, tỉnh đang xây dựng và triển khai chính sách khoa học, công nghệ đối với các sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng, triển khai; xây dựng tiêu chuẩn hóa sản phẩm; ưu tiên phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP; ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX sản xuất sản phẩm OCOP. Tỉnh cũng phát triển các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ với các nhóm, hộ gia đình tham gia; mở rộng sản xuất, kinh doanh với một số HTX, doanh nghiệp có điều kiện và năng lực theo nhu cầu của thị trường.
Tiếp đó, sẽ mở rộng các đối tác hỗ trợ thực hiện đề án OCOP như các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm; viện, trường đại học, nhà khoa học, hiệp hội chuyên ngành; các tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm; ngân hàng, quỹ đầu tư... Tỉnh còn tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện đề án, tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đối với các đơn vị tham gia vào đề án OCOP của tỉnh, tùy theo phương án kinh doanh, tùy mức độ đơn giản hay phức tạp và điều kiện sẵn có, một sản phẩm có thể nhận từ một đến tất cả những hỗ trợ từ đề án OCOP của tỉnh, kết nối các nguồn lực, tập huấn nghiên cứu phát triển sản phẩm; triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, hỗ trợ máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực; thiết kế mẫu mã, bao bì, tem nhãn sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu tập thể, xúc tiến thương mại...
Hiện Hải Dương có nhiều sản phẩm chế biến gắn với đặc sản các miền quê và làng nghề như bánh đậu xanh, bánh gai, bánh gấc, bánh đa Hội Yên, mỳ sợi Tào Khê, mỳ Mòi, cốm làng Thạc... đã tạo nên những nét đặc trưng riêng cho sự phát triển các sản phẩm trên địa bàn tỉnh.