Theo báo cáo tại cuộc làm việc hôm 3/3, năm 2021, công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN), hạch toán thu NSNN tại Hải Dương cơ bản được thực hiện theo trình tự, thủ tục và bao quát các nguồn thu phát sinh trên địa bàn. Tổng thu ngân sách tỉnh Hải Dương năm 2021 là trên 36.000 tỷ đồng.
Trong đó, thu tiền sử dụng đất bằng 276% dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao; bằng 123% quyết toán năm 2020, bằng 121% quyết toán năm 2019. Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước của địa phương đạt 100% dự toán năm, thu từ khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 159% dự toán năm. Năm 2021, số tiền thuế được khoanh hơn 122 tỷ đồng, xóa nợ thuế hơn 101 tỷ đồng; quyết toán chi ngân sách địa phương gần 32.000 tỷ đồng; tổng kế hoạch vốn đầu tư công thanh toán gần 6.800 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 93,3% kế hoạch vốn thanh toán.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Về kết quả việc chấp hành pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh đã tích cực tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, của tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo và kịp thời phát hiện, xử lý hành vi gây lãng phí.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định: “Trong năm 2022, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh đã có bước phục hồi, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đạt và vượt 9/16 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9%. Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành cũng như chủ đầu tư trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ. Năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 85,5% kế hoạch vốn thanh toán. Các lĩnh vực khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, tăng cường”.
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại buổi làm việc |
Trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các cấp, ngành, đơn vị sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng dự toán và hiệu quả. Lập, phân bổ dự toán ngân sách được xây dựng trên cơ sở chế độ, tiêu chuẩn định mức quy định; đáp ứng nhu cầu phục vụ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp khả năng nguồn thu của ngân sách địa phương. Quy trình quản lý ngân sách đã ổn định, đi vào nền nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị thực hiện dự toán được giao.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương mong muốn, Đoàn giám sát tiếp tục quan tâm, giúp đỡ để tỉnh tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong công tác dự toán, quyết toán NSNN, báo cáo tài chính Nhà nước, thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong những năm tiếp theo. Qua đó góp phần đưa Hải Dương trở thành điểm sáng trong tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung liên quan đến triển khai thực hiện các chính sách trong công tác thu chi NSNN; đấu giá quyền sử dụng đất, giảm tiền thuê đất năm 2022 và đề nghị trong năm 2023; chuyển nguồn, phân bổ vốn đầu tư công trung hạn; giải ngân vốn đầu tư công; quản lý các nguồn quỹ; chính sách về đất đai, tỷ lệ phân bổ, điều tiết nguồn thu tiền sử dụng đất; đồng thời làm rõ những giải pháp trong xử lý dự án quy hoạch treo; bất cập trong tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá dịch vụ công, việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 75 của Quốc hội; tình hình thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước...
Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc |
Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đã đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương trong thời gian qua, đã có nhiều chi tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đồng thời, Đoàn giám sát đề nghị Hải Dương xây dựng dự toán NSNN năm 2023 sát hơn nữa; việc triển khai hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh; báo cáo rõ hơn về công tác quản lý thu đối với thương mại điện tử; việc thực hiện xóa nợ theo Nghị quyết 94. Cần chủ động đánh giá sớm những doanh nghiệp FDI trên địa bàn chịu tác động từ chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, nhất là khi Hải Dương có khu vực đầu tư nước ngoài tương đối phát triển với nhiều doanh nghiệp lớn, việc này có thể thông qua báo cáo toàn cầu trong hồ sơ về chuyển giá của doanh nghiệp có liên doanh, liên kết. Giải pháp cụ thể xử lý những công trình đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán kéo dài; đẩy mạnh cơ cấu doanh nghiệp có vốn nhà nước theo đúng tiến độ; tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án chung...
Bên cạnh đó, Trưởng đoàn giám sát yêu cầu tỉnh tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc, chi tiết toàn bộ các khoản chuyển nguồn theo Nghị quyết 74 của Quốc hội; bổ sung số liệu về báo cáo tài chính nhà nước; lưu ý tỉnh rà soát, bổ sung thông tin liên quan đến kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đất đai và một số nội dung trọng tâm khác.