Đây là lần đầu tiên một hội nghị chuyên về xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản có quy mô lớn được tỉnh Hải Dương tổ chức dưới hình thức trực tiếp tại Hải Dương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã đánh giá cao sự đóng góp ngày càng quan trọng và hiệu quả của các doanh nghiệp và doanh nhân Nhật Bản. Hải Dương là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về thu hút FDI. Qua hơn 25 năm thu hút đầu tư FDI, tới nay, đã có 490 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn trên 9,2 tỷ USD đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ; giải quyết việc làm cho trên 200.000 lao động; đóng góp 34,4% vào tổng sản phẩm trong tỉnh và 33% ngân sách.
Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu khai mạc Hội nghị |
“Hội nghị là dịp để lãnh đạo tỉnh chúng tôi trực tiếp lắng nghe các đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản. Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư Nhật Bản hiểu rõ hơn về tiềm năng, lợi thế so sánh, cơ hội đầu tư tại tỉnh Hải Dương. Chúng tôi sẵn sàng trao đổi cởi mở, thẳng thắn trên cơ sở tin cậy và hợp tác tất cả các nội dung Quý vị quan tâm và cam kết sẽ dành những điều kiện thuận lợi nhất, những cơ hội đầu tư tốt nhất cho các FDI Nhật Bản đầu tư và hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh”, ông Thăng khẳng định.
Cụ thể, hiện toàn tỉnh đã có 60 dự án đến Nhật Bản, với tổng vốn gần 1,5 tỷ USD, đứng thứ hai về số lượng dự án và số vốn đầu tư FDI. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn Hải Dương đạt 915 triệu USD, chiếm 9,3% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, đóng góp 12,4% vào tổng giá trị sản phẩm của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương trò chuyện với các doanh nghiệp Nhật Bản bên lề Hội nghị |
Ngài Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá Hải Dương là địa phương có rất nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư. Đây là điểm đến đầy hứa hẹn thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, nổi bật ở các lĩnh vực phát triển KCN, dịch vụ nghỉ dưỡng, công nghiệp phụ trợ.
“Trong đại dịch Covid-19, đã có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản phải cách ly, dẫn tới gián đoạn chuỗi cung ứng; tuy nhiên, các ban, ngành của tỉnh Hải Dương đã phối hợp rất chặt chẽ với doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động kinh doanh tại đây để nhanh chóng khắc phục khó khăn của đại dịch và phục hồi, ổn định sản xuất. Tôi mong rằng, các ban, ngành của tỉnh Hải Dương tiếp tục lắng nghe, hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại tỉnh, đưa tỉnh Hải Dương trở thành địa phương có sức hấp dẫn hơn nữa”, Ngài Yamada Takio bày tỏ.
Ngài Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá Hải Dương là địa phương có rất nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư |
Ngoài ra, Ngài Đại sứ cũng đã đề xuất 3 vấn đề đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Đó là đảm bảo nguồn nhân lực, lao động; nguồn cung ứng điện và sự hỗ trợ tuân thủ phát luật của các tỉnh Hải Dương đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.
Tại phiên tọa đàm với chủ đề Hải Dương-điểm đến đầu tư FDI, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định: “Các doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản thực sự là những doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong số các doanh nghiệp FDI cả về việc chấp hành pháp luật Việt Nam, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, gương mẫu trong công tác phòng chống dịch Covid - 19, có quan hệ thân thiện, cởi mở với chính quyền và nhân dân Hải Dương. Cùng với tác phong làm việc trách nhiệm, hiện đại, chuyên nghiệp, luôn quan tâm chăm lo đời sống người lao động các doanh nhân Nhật Bản đã tạo được sự tin cậy, những dấu ấn, tình cảm tốt đẹp trong lãnh đạo và người dân tỉnh Hải Dương”.
Phiên tọa đàm với chủ đề Hải Dương-điểm đến đầu tư FDI |
Để thu hút và đón dòng vốn đầu tư Nhật Bản trong thời gian tới, ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh tôi đã rà soát, bổ sung quỹ đất KCN, CNN; đã chuẩn bị nguồn nhân lực về cả chất lượng lẫn số lượng; đã chuẩn bị năng lượng, cơ bản đáp ứng đủ cho phát triển công nghiệp 5-10 năm tới. Hiện nay trên địa bàn có một số dự án nhiệt điện lớn đi vào hoạt động và đã hòa vào lưới điện quốc gia và hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Không chỉ có Nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Nghị quyết 08), tỉnh còn mở rộng lĩnh vực thu hút đầu tư. Tỉnh cũng định hướng Nhật Bản là một thị trường rất quan trọng để xúc tiến đầu tư.
Cụ thể, trong các lĩnh vực định hướng thu hút đầu tư một cách chọn lọc của Hải Dương thì tỉnh cũng nhận thấy đối với tỉnh thì các nhà đầu tư Nhật Bản rất phù hợp với định hướng thu hút đầu tư về chuyển đổi số, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Đánh giá cao môi trường đầu tư tại Hải Dương, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn mong muốn được tạo thuận lợi hơn nữa để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Kurihara Kiyokazu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam chia sẻ, Hải Dương có vị trí thuận lợi, an ninh, chính trị ổn định nên được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Ngoài đóng góp đáng kể cho ngân sách, những nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng lao động ở doanh nghiệp đáng được ghi nhận. Công nhân, người lao động không những được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn được hướng dẫn cặn kẽ về tác phong làm việc. Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương cũng cần sớm khắc phục hạn chế về nguồn lao động, nhà ở xã hội, năng lực cấp điện ổn định để các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất.
Đại diện cho nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp, bà Tường Quỳnh Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đại An (Khu công nghiệp Đại An) thông tin tại Tọa đàm, KCN Đại An hiện có 09 doanh nghiệp Nhật đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đầu tư là hơn 300 triệu USD (chiếm 10% trên tổng số vốn đăng ký đầu tư của toàn KCN Đại An). KCN Đại An là dự án kiểu mẫu mà chúng tôi xây dựng để sử dụng và áp dụng mô hình này cho các dự án khác trong danh mục phát triển KCN, phục vụ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao và các dịch vụ phục vụ công nghiệp tại chỗ. Việc kêu gọi FDI phải là quá trình nuôi dưỡng, xây dựng và gìn giữ mối quan hệ giữa KCN và nhà đầu tư; bao gồm việc hỗ trợ nhà đầu tư trong tất cả các lĩnh vực: quản lí dự án, thuế vụ, hải quan, quản lí nhân sự, và văn hóa – xã hội địa phương.
Hải Dương đã vinh danh một số doanh nghiệp Nhật Bản tiêu biểu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có đóng góp lớn cho Ngân sách nhà nước |
Tại hội nghị này, UBND tỉnh Hải Dương đã vinh danh một số doanh nghiệp Nhật Bản tiêu biểu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có đóng góp lớn cho Ngân sách nhà nước. Đây là sự ghi nhận của tỉnh Hải Dương đối với đóng góp tích cực của các doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn tỉnh.
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu bế mạc Hội nghị |
Bế mạc Hội nghị, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định: “Trên cơ sở những kết quả đạt được và tiếp thu những ý kiến tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; cam kết đồng hành cùng với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, cũng như các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư trong tương lai. Đồng thời, Hải Dương cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các bộ, ngành Trung ương, của Đại sứ quán Nhật Bản và các tổ chức, hiệp hội đầu tư Nhật Bản để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác đầu tư, góp phần thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các Tập đoàn, Công ty lớn từ Nhật Bản”.