Tới tham dự hội thảo này có gần 300 đại biểu đến từ đoàn các doanh nghiệp Nhật Bản, 15 nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Hải Dương và hơn 50 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng KCN, xây dựng, doanh nghiệp phụ trợ,… trên địa bàn tỉnh, mong muốn tìm cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản.
Phát biểu tại buổi hội thảo chiều 26/11, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã khẳng định: “Việc tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư hôm nay là hoạt động đổi mới trong hoạt động xúc tiến đầu tư của Hải Dương, nhằm tạo thêm một kênh đối thoại thực chất. Điều này sẽ giúp cho các nhà đầu tư Nhật Bản hiểu rõ hơn môi trường đầu tư của Hải Dương, hiểu rõ hơn chủ trương và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư của địa phương. Đồng thời, đây là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn và các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần mang lại hiệu quả tích cực cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương nói chung”.
Hội thảo xúc tiến đầu tư Nhật Bản vào tỉnh Hải Dương |
Chia sẻ với các nhà đầu tư Nhật Bản về chính sách thu hút đầu tư của Hải Dương, ông Hiển cho biết, tỉnh Hải Dương đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2015 – 2016. Hải Dương cũng đã ban hành Danh mục các dự án khuyến khích kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh từ năm 2015.
Đến hiện tại Hải Dương, mới có 60 dự án FDI đến từ Nhật Bản, tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử; linh kiện cơ khí; thiết bị viễn thông; khuôn đúc; dây và cáp điện ô tô… với vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD, xếp vị trí thứ 2/24 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp Nhật Bản đạt tới 80% so với tổng vốn đầu tư đăng ký và dẫn đầu trong khối các doanh nghiệp FDI tại địa bàn tỉnh Hải Dương. Với những hiệu quả mà các nhà đầu tư Nhật Bản mang lại, cũng như sự nghiêm túc trong việc triển khai các dự án, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục được đón nhận nhiều hơn nữa những dự án đến từ Nhật Bản. Đặc biệt là những dự án có hàm lượng công nghệ cao và sạch, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư mà tỉnh Hải Dương đã đề ra.
Đại diện cho đoàn 12 doanh nghiệp Nhật Bản đến Hải Dương lần này, ông Minoru Maki, Phó giám đốc Cục xúc tiến đầu tư, thương mại Vùng Kyushu - Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, chia sẻ: “Với phương châm phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, chúng tôi luôn quan tâm đến việc áp dụng các công nghệ sạch trong việc sản xuất. Bởi vậy, lần này đến đây, các doanh nghiệp trong đoàn đều là những doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao trong các lĩnh vực từ sản xuất điện tử, đến bảo vệ môi trường. Chúng tôi rất mong muốn, các doanh nghiệp sẽ tìm được cơ hội đầu tư mới tại Hải Dương sau chuyến công tác này”.
Nhằm cung cấp những thông tin cụ thể tới các nhà đầu tư Nhật Bản về môi trường đầu tư tại Hải Dương, ông Nguyễn Xuân Đoan, Phó Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương đã công bố rất cụ thể tại hội nghị các chi phí đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Hải Dương. Chẳng hạn, mức lương cơ bản cho trả cho lao động chưa qua đào tạo là 107 USD người/tháng, mức lương cho lao động kỹ thuật là theo thỏa thuận và khoảng 250 USD/người/tháng. Giá điện cho sản xuất ấp điện áp từ 22-110KV có mức trung bình là 1.405VND/kwh, vào giờ thấp điểm chỉ khoảng 902 VND/kwh. Chi phí nước sạch cho sản xuất là 13.700 VND/m3, cho dịch vụ là 14.500 VND/m3. Giá thuê đất có cơ sở hạ tầng giao động khoảng 55-65 USD/m2 và có thời hạn thuê là 45 - 47 năm. Cước vận chuyển bằng container từ Hải Dương đến cảng Hải Phòng (bao gồm cả chi phí nâng hạ) đối container 20 feet và trọng tải dới 20 tấn là khoảng 170 USD; đối với container 40 feet và trọng tải trên 20 tấn là khoảng 190 USD.v.v...
Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang hoạt động tại Hải Dương cũng đã chia sẻ về hiệu quả đầu tư tại đây, cũng như lý do họ chọn Hải Dương làm điểm đến. Ông Tanaka, Giám đốc Công ty TNHH Bơm Ebara Việt Nam (Nhật Bản) nói: “Chúng tôi đã có 20 năm hoạt động tại đây. Hoạt động của chúng rất ổn định, việc kinh doanh phát triển tốt. Dự kiến năm 2015, có doanh thu bằng 150% so với năm 2014. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện các công tác để di dời nhà máy hiện tại sang KCN Lai Cách và có quy mô rộng gấp 4 lần nhà máy cũ”.
Ông Konodo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Máy Brother VN cho hay, doanh nghiệp sản xuất máy in Brother thuộc Tập đoàn đã có hoạt động ổn định từ 2007 tại đây. "Đối tác của chúng tôi trong lĩnh vực sản xuất máy may cũng đặt tại địa phương này. Sau 1 năm hoạt động, chúng tôi đã tăng vốn đầu tư thêm 19 triệu USD”, ông Konodo tiết lộ .
Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp Nhật Bản, tập trung vào các chính sách, cơ chế, thủ tục... liên quan đến thu hút đầu tư của Việt Nam, tỉnh Hải Dương trong thời gian tới. Ông Vũ Văn Chung, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Nguyễn Dương Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, một số sở, ngành của tỉnh Hải Dương đã trả lời các ý kiến được nêu ra tại hội thảo.
“Với phương châm Chính quyền tỉnh Hải Dương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh Hải Dương cam kết sẽ luôn nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư; luôn sát cánh cùng doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đầu tư phát triển cho tỉnh Hải Dương cũng là phát triển và làm giàu cho mỗi doanh nghiệp. Đây cũng chính là thông điệp chúng tôi xin gửi tới tất cả những nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm tới tỉnh Hải Dương”. Ông Nguyễn Mạnh Hiển tiếp tục cam kết và khẳng định.
Theo chương trình, sáng nay, 27/11), Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Ban quản lý các KCN Hải Dương sẽ đồng tổ chức Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp Việt Nan - Nhật bản 2015”, nhằm tiếp tục tìm kiếm các giải pháp, tiếng nói chung trong đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước trên địa bàn Hải Dương.