Đầu tư Phát triển bền vững
Hải Dương mong muốn Hà Lan tăng cường đầu tư công nghệ xử lý nước
Thanh Sơn - 20/03/2024 16:41
Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương mong muốn Vương quốc Hà Lan tiếp tục quan tâm hợp tác đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ nước, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải tại Hải Dương.

Ngày 20/3, UBND tỉnh Hải Dương đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Vương quốc Hà Lan do ông Rene Vrugt, Giám đốc phụ trách Quy hoạch đất, không gian và thích ứng biến đổi khí hậu - Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan làm trưởng đoàn đến thăm, tìm hiểu về lĩnh vực xử lý nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Quang cảnh cuộc làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Văn Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hơn 50 năm qua quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan phát triển ngày càng tốt đẹp, đặc biệt là hợp tác đầu tư, thương mại, nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Trần Văn Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại cuộc làm việc

Hiện nay có 4 dự án của Vương Quốc Hà Lan đầu tư vào tỉnh Hải Dương, với tổng vốn đầu tư 36,8 triệu USD góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2007, Chính phủ Hà Lan đã viện trợ không hoàn lại cho tỉnh Hải Dương thực hiện đầu tư xây dựng Nhà máy nước Cẩm Thượng theo Chương trình ORET với tổng kinh phí hơn 8,5 triệu EURO. Dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động từ tháng 4/2011 với chất lượng nguồn nước khai thác và nước sau xử lý luôn đạt chuẩn theo quy định, phục vụ tốt nhu cầu sử dụng nước sạch của TP. Hải Dương.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác của Vương quốc Hà Lan và đại diện một số doanh nghiệp Hà Lan đã trao đổi, thảo luận về tiềm năng, cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghệ nước tại Hải Dương.

Ông Rene Vrugt, Giám đốc phụ trách Quy hoạch đất, không gian và thích ứng biến đổi khí hậu - Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan phát biểu tại buổi làm việc

Theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Hải Dương phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cầu hạ tầng đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc Trong đó sẽ hình thành 32 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 5.661 ha đất và 61 cụm công nghiệp. Do vậy, nhu cầu về đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch và xử lý nước thải của Hải Dương là khá lớn.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm tâm định hướng hợp tác đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ nước, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải tại Hải Dương. Đặc biệt là Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải cho các đô thị thuộc thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Gia Lộc, huyện Cẩm Giàng và huyện Nam Sách mà tỉnh Hải Dương đang đề xuất triển khai thực hiện. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng mong tiếp tục được đón các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của Vương Quốc Hà Lan đến tìm hiểu và hợp tác đầu tư vào tỉnh Hải Dương.

Đoàn công tác Vương quốc Hà Lan tham quan thực tế tại Khu công nghiệp Đại An mở rộng

Ngay sau buổi làm việc, Đoàn công tác của Vương Quốc Hà Lan đã đi tham quan thực tế tại Nhà máy nước Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương và cơ sở xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Đại An mở rộng, huyện Cẩm Giàng.

Trước đó, hồi tháng 1/2024, UBND tỉnh Hải Dương đã có đề nghị Chính phủ Hà Lan viện trợ 5 trạm xử lý nước thải.

Thị trấn Gia Lộc là một trong những đơn vị nằm trong đề nghị được hỗ trợ xây dựng hệ thống nước thải của UBND tỉnh Hải Dương

Đó là dự án thu gom và xử lý nước thải tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện Nam Sách, Gia Lộc, Cẩm Giàng. Nguồn vốn sẽ dùng để xây khoảng 166 km cống tự chảy, 8,9 km tuyến ống áp lực, 9 trạm bơm, 5 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất 21.000 m3/ngày đêm... Tổng kinh phí đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.

Theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương, Chí Linh sẽ lên đô thị loại II trước năm 2030; Kinh Môn lên đô thị loại III trước năm 2025. Các thị trấn Nam Sách, Gia Lộc, Lai Cách (Cẩm Giàng) sẽ lên đô thị loại IV trước năm 2030. Việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải cần có nguồn kinh phí lớn nhưng Hải Dương chưa bố trí được cho các đô thị này.

Việc được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các địa phương trên sẽ góp phần cải thiện môi trường, nâng tỷ lệ thu gom xử lý nước thải toàn tỉnh lên trên 30%.

Những năm qua, Hà Lan là đối tác tin cậy của Việt Nam trong lĩnh vực nước và môi trường. Nhiều dự án sử dụng vốn tài trợ của Chính phủ Hà Lan đã và đang được triển khai trên cả nước cũng như Hải Dương, mang lại thay đổi tích cực cho kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tin liên quan
Tin khác