Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số cục, vụ, viện và một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; một số cơ quan trung ương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 28 tỉnh, thành phố phía Bắc; một số sở, ban, ngành trong tỉnh và một số hiệp hội, hội, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hải Dương.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả sản xuất năm 2023, triển khai kế hoạch sản xuất năm 2024 trên phạm vi các tỉnh phía Bắc. Tăng cường mối quan hệ phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ nông sản nói chung, sản xuất vụ đông nói riêng giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh phía Bắc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh: Hội nghị là cơ hội cho tỉnh Hải Dương được đón tiếp, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nhất là trong lĩnh vực chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp với các tỉnh, thành phố phía Bắc. Đồng thời cũng là cơ hội giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc sắc cũng như tiềm năng, thế mạnh... đến với các tỉnh, thành, các doanh nghiệp trong, ngoài nước.
Ông Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu khai mạc Hội nghị |
Năm 2023, sản xuất nông nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự đầu tư, hỗ trợ tích cực của trung ương và sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của các doanh nghiệp và người dân nên ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2023 ước tăng 4,45% so với năm 2022. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 196 triệu đồng/ha, vượt mục tiêu đề ra. Hải Dương là tỉnh có thế mạnh sản xuất cây rau màu. Tổng diện tích rau màu của Hải Dương đạt trên 41.000 ha, tổng sản lượng gần 900.000 tấn. Riêng diện tích rau vụ đông đạt trên 22.000 ha, giá trị sản xuất cây vụ đông của tỉnh cao gấp hơn 2,2 lần trung bình các tỉnh phía Bắc. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh đạt 14,5%. Hải Dương là tỉnh thứ 5 trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương mong muốn trong thời gian tới, Hải Dương sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa để ngành nông nghiệp nói riêng và các ngành kinh tế của tỉnh nói chung phát triển mạnh mẽ hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của Hải Dương tại Trung tâm Văn hoá xứ Đông, Hải Dương |
Theo ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, năm 2024 Hải Dương đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng của ngành là 2%. Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm cả năm 147.000 ha, trong đó cây lúa 106.500 ha, cây rau màu 40.500 ha. Sản lượng thóc cả năm đạt 668.425 tấn, năng suất bình quân 62,8 tạ/ha... Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp Hải Dương sẽ tiếp tục phát triển sản xuất theo hướng tập trung, hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; sản xuất hữu cơ, an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường. Đẩy mạnh hỗ trợ các cơ chế chính sách nhằm mở rộng sản xuất tập trung hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung phát biểu kết luận Hội nghị |
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Đây là cơ hội để các địa phương kết nối giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Đồng chí ghi nhận, đánh giá cao kết quả sản xuất đã đạt được trong năm 2023, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội tại các địa phương nói chung. Để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2024, đồng chí đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể trên cơ sở kế hoạch của bộ đã ban hành, trong đó đặc biệt chú trọng khung thời vụ đối với các giống cây trồng. Căn cứ vào tình hình thời tiết được dự báo, các địa phương chủ động bảo đảm nguồn nước tưới, điều tiết nước phù hợp. Cần có giải pháp bảo vệ an toàn kỹ thuật, không để xảy ra dịch bệnh lớn. Tăng cường công tác quản lý giống cây trồng. Tập trung triển khai, thực hiện hiệu quả các đề án, dự án, chương trình của ngành nông nghiệp...”
Trong khuôn khổ hội nghị, Hải Dương đã tổ chức trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chủ lực của tỉnh. Một số doanh nghiệp đã trưng bày thiết bị, máy móc, sản phẩm vật tư nông nghiệp mới phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Các đại biểu tham quan mô hình trồng cà rốt xuất khẩu tại xã Đức Chính (Cẩm Giàng) chiều ngày 28/11 |
Trước đó, chiều ngày 28/11, các đại biểu đã tới tham quan vùng sản xuất cà rốt phục vụ xuất khẩu ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) và vùng sản xuất hành tỏi tập trung tại xã Thăng Long (Kinh Môn). Đây là những mô hình sản xuất cây vụ đông chủ lực và tiêu biểu của tỉnh Hải Dương.