Ngày 6/5, Hoàng Anh Gia Lai nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên Ban kiểm soát của ông Lê Hồng Phong và ngày 7/5 tiếp tục nhận được thêm đơn từ nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị của ông Nguyễn Chí Thắng.
Lý do từ nhiệm của hai lãnh đạo là lý do cá nhân và Hoàng Anh Gia Lai sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vào ngày 10/5 tới thông qua.
Sau khi ông Nguyễn Chí Thắng từ nhiệm, Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai còn 4 người, bao gồm ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch), ông Võ Trường Sơn, bà Võ Thị Mỹ Hạnh và ông Trần Văn Dai.
Được biết, ông Nguyễn Chí Thắng sinh năm 1975, bắt đầu làm việc tại Hoàng Anh Gia Lai kể từ tháng 3/1994. Giai đoạn 1994-2007, ông Thắng bắt đầu công tác tại tập đoàn này với vị trí nhân viên xí nghiệp tư doanh Hoành Anh; đến năm 2008, ông Thắng bắt đầu tham gia vào một số vị trí lãnh đạo tại công ty với việc làm Phó Giám đốc xưởng chế biến gỗ Công ty TNHH Nông Nghiệp - Công nghiệp Cao su Hoàng Anh Quang Minh.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, ông Thắng giữ chức vụ Giám đốc tại công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu; và từ năm 2021 đến nay, ông Thắng đảm nhận vai trò Giám đốc tại công ty TNHH MTV Phát triển Nông nghiệp Khăn Xay (công ty con của Hoàng Anh Gia Lai).
Xuất hiện nhóm cổ đông lớn mới sau đợt chào bán 130 triệu cổ phiếu
Một điểm đáng lưu ý, Công ty cổ phần Chứng khoán LPBank cho biết đã mua 50 triệu cổ phiếu HAG, nâng sở hữu từ 0%, lên 4,73% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 25/4.
Như vậy, sau giao dịch nhóm cổ đông liên quan đến Chứng khoán LPBank đã nâng sở hữu lên 89,6 triệu cổ phiếu HAG, tương ứng 8,47% vốn điều lệ và trở thành nhóm cổ đông lớn.
Chứng khoán LPBank cho biết nhóm cổ đông liên quan gồm ông Lê Minh Tâm sở hữu 28 triệu cổ phiếu HAG (2,65% vốn), ông Nguyễn Đức Bình sở hữu 1,3 triệu cổ phiếu HAG (0,12% vốn), bà Trần Thị Thu Phương sở hữu 5,65 triệu cổ phiếu HAG (0,53% vốn), và bà Phạm Lê Thị Hồng Hoa sở hữu gần 4,69 triệu cổ phiếu HAG (0,44% vốn).
Ngoài ra, liên quan tới hoạt động huy động vốn, trước đó, ngày 19/4, Hoàng Anh Gia Lai cho biết đã hoàn thành đợt phát hành 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ khi nhà đầu tư đã nộp tiền mua, tương ứng huy động 1.300 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Tập đoàn Thaigroup đã mua 52 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0%, lên 4,92% vốn điều lệ; CTCP Chứng khoán LPBank mua 50 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0%, lên 4,73% vốn điều lệ; và nhà đầu tư Lê Minh Tâm mua vào 28 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0%, lên 2,65% vốn điều lệ.
Lợi nhuận đi lùi quý đầu năm 2024
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2024, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu đạt 1.240,94 tỷ đồng, giảm 26,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lãi 214,88 tỷ đồng, giảm 26,2% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 26,7%, lên 40,2%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 10,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 45,92 tỷ đồng, lên 498,29 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 48,1%, tương ứng giảm 67,6 tỷ đồng, về 73 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 4,4%, tương ứng giảm 8,19 tỷ đồng, về 177,43 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 60,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 57,93 tỷ đồng, lên 153,73 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Thực tế, mặc dù có lãi trong quý đầu năm 2024 nhưng tại thời điểm cuối quý I/2024, Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn lỗ luỹ kế 1.452,4 tỷ đồng, bằng 15,7% vốn điều lệ (vốn điều lệ là 9.274,7 tỷ đồng).
Tái cơ cấu tài chính để khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo
Sau khi công bố Báo cáo tài chính quý I/2024 và cổ phiếu tiếp tục bị cảnh báo, Hoàng Anh Gia Lai đã có văn bản giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo.
Hoàng Anh Gia Lai cho biết kết quả kinh doanh quý I/2024 của Công ty có chuyển biến tích cực và phần nào khắc phục được nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo. Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ trong quý I/2024 là 214 tỷ đồng.
Về tình hình đầu tư các dự án, Công ty vẫn tập trung mọi nguồn lực vào 2 ngành nghề kinh doanh cốt lõi là chăn nuôi và trồng trọt với các sản phẩm chủ đạo là chuối, sầu riêng và heo. Hoàng Anh Gia Lai dự kiến trong năm 2024 trồng thêm 2 ngàn ha chuối, nâng diện tích từ 7 ngàn ha lên 9 ngàn ha và trồng thêm 500 ha sầu riêng, nâng diện tích từ 1,5 ngàn ha lên 2 ngàn ha.
Bên cạnh đó, Hoàng Anh Gia Lai cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp tái cơ cấu tài chính nhằm giảm mạnh hơn nữa số dư nợ phải trả ngân hàng, giảm chi phí lãi vay và duy trì dòng tiền ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.
Về mô hình kinh doanh, năm 2024 nói riêng và giai đoạn 2024 - 2030 nói chung, Hoàng Anh Gia Lai vận hành theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Mục tiêu tạo ra sản phẩm an toàn, giảm lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường tiến tới phát triển bền vững, đáp ứng tốt yêu cầu chất lượng từ khách hàng nhập khẩu lớn. Song song với phát triển trồng trọt, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất sạch, ưu tiên đầu tư cải thiện hạ tầng, nhà máy đóng gói, bao bì…theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp.
Và cuối cùng, Hoàng Anh Gia Lai cho biết thêm, với kết quả kinh doanh đã đạt được trong 3 tháng đầu năm 2024 và mô hình hoạt động đã được vạch ra, Công ty tin rằng hoạt động kinh doanh trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước giảm và xóa lỗ lũy kế, khắc phục được nguyên nhân dẫn tới tình trạng chứng khoán bị đưa vào diện bị cảnh báo.