Thời sự
Hai mũi đột phá tinh gọn bộ máy và cải cách tiền lương (Bài 1)
Hữu Tuấn - 19/09/2018 09:42
Đổi mới, tinh giản bộ máy chính trị và cải cách chế độ tiền lương là tinh thần xuyên suốt trong các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 và Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Hai mũi đột phá này được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính trị, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang quyết tâm tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo ra động lực tăng trưởng mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Bài 1: “Sống mòn” nơi công sở

Lương thấp, bố trí công việc không đúng chuyên môn, môi trường làm việc thiếu cạnh tranh… là “mẫu số chung” khiến nhiều công chức, viên chức phải dứt “áo nhà nước” ra đi, còn một bộ phận ở lại chấp nhận trở thành “người thừa” nơi công sở...

Từ chuyện trưởng phòng, nhân tài diện thu hút rời công sở…

Sau 11 năm làm công chức, 4 năm tại vị chức vụ Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Thông tin (Sở Công thương Đắk Lắk), tháng 6/2017, anh Nguyễn Như Hoàng đột ngột viết đơn xin nghỉ việc. Bạn bè, đồng nghiệp “sốc” bởi “bao người mất tiền, phấn đấu bao nhiêu năm mới được vị trí đó”. Người thân của Hoàng hụt hẫng. Nhưng với Hoàng, đó là quyết định đúng đắn nhất.

.

Với Hoàng, làm công chức phải “được làm việc” và “làm được việc”, không thể sáng đúng giờ đến bật điều hòa, máy tính rồi ngồi vật vờ nơi công sở, chiều đúng giờ cắp cặp về. Anh gọi đó là “đi làm kiểu thừa thãi”, “ăn bám nhà nước” và cuộc sống công chức suốt 11 năm đó là “sống mòn”.

Hơn 11 năm làm việc trong hệ thống nhà nước, đến lúc nộp đơn xin thôi việc, mức lương trưởng phòng, tính cả phụ cấp, của Hoàng là hơn 4 triệu đồng/tháng, không đủ lo cho gia đình. Đó là “giọt nước tràn ly” tiễn Hoàng rời công sở. “Đi làm chủ yếu vì thu nhập và niềm vui trong công việc. Khi thu nhập không đảm bảo, còn công việc không như ý thì tôi xin nghỉ”, Hoàng tâm sự.

Rời nhiệm sở, Hoàng bắt tay vào dự án bán gà nướng và mở quán tại góc đường Lý Tự Trọng, TP. Buôn Ma Thuột. Ngoài việc bán gà nướng, anh còn liên kết với các trang trại, hộ chăn nuôi phân phối các sản phẩm cá, chồn, rau sạch, hoa quả... Anh đang ấp ủ kế hoạch xây dựng chuỗi cửa hàng gà sạch bán khắp tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên.

Giống như Hoàng, chị C.T - cán bộ thuộc Ban Hỗ trợ xúc tiến đầu tư TP. Đà Nẵng từng là cán bộ trẻ nhiều hoài bão, có khát vọng cống hiến khi khoác chiếc áo “công chức”. C.T vốn là học sinh giỏi của Trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn (TP. Đà Nẵng), thuộc diện thu hút nhân tài của Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) của TP. Đà Nẵng. Chị đã được cử đi học ở nước ngoài và trở về làm việc tại Đà Nẵng từ năm 2015.

Chị C.T học chuyên ngành tài chính, nhưng công việc được giao là giới thiệu quy trình, thủ tục đầu tư và phổ biến luật cho nhà đầu tư nước ngoài. Công việc trái ngành, ngược nghề đã khiến chị chán nản. Với mức lương là 3 - 4 triệu đồng/tháng, chị phải đi dạy thêm ngoại ngữ, làm phiên dịch sau giờ làm để trang trải cuộc sống, kiếm thêm thu nhập. “Lương không đủ sống, tính chất công việc, môi trường làm việc cứng nhắc, nên tôi tính đến việc thay đổi môi trường làm việc”, C.T tâm sự.

Cùng “lứa nhân tài” của Đề án 922 như chị C.T, không ít cử nhân, kỹ sư được đào tạo bài bản, có bằng cấp cao ở nước ngoài đã chấp nhận bồi thường phí đào tạo (theo cam kết phải phục vụ 7 năm trong Nhà nước), hoặc chờ hết hạn theo quy định để “giã từ đời công chức” ngắn ngủi và tìm kiếm cơ hội mới. Họ được các công ty nước ngoài, tập đoàn, doanh nghiệp lớn mời chào với mức lương gấp 10 lần lương công chức. Đó chính là lý do khiến 93 nhân tài xin rút khỏi Đề án 922, trong đó có 40 người dứt khoát xin nghỉ việc.

… đến cán bộ xã, phường, bác sỹ bỏ việc ra ngoài làm

“Lương thấp, công việc nặng nhọc” cũng là lý do khiến công chức xã, phường ở nhiều địa phương rũ áo ra đi. Tại TP. Vũng Tàu, chỉ từ năm 2017 đến nay, đã có hơn 60 cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách tại các phường, xã xin nghỉ việc.

“Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhà ở chưa có, tôi phải nuôi hai con ăn học. Với hệ số lương hiện tại của tôi là 1,86 thì không thể đảm bảo được cuộc sống gia đình. Tôi quyết định tìm việc mới để tìm thêm cơ hội phát triển và đảm bảo được kinh tế gia đình”, anh Lý Trọng Liêm, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu cho biết trong đơn xin nghỉ việc.

Còn tại tỉnh Hậu Giang, 1.057 cán bộ cơ sở của nhiều cơ quan làm đơn xin nghỉ việc chỉ trong vòng một năm từ 2016 - 2017. Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang, lý do là “lương và phụ cấp thấp”.

“Làn sóng” xin nghỉ việc do lương thấp đã “lan” sang ngành y. Từ đầu năm 2017 đến tháng 3/2018, hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước đã ghi nhận tổng cộng 125 bác sỹ tại các bệnh viện công xin nghỉ việc để chuyển sang các bệnh viện, phòng khám tư nhân.

Sau 10-15 năm học nghề, công tác hơn 10 năm ở bệnh viện, nhưng các bác sỹ chỉ nhận được mức lương hàng tháng gần 6 triệu đồng, cộng với phụ cấp độc hại thì tổng thu nhập khoảng 7,1 triệu đồng/tháng, không đủ nuôi con ăn học, trang trải cuộc sống gia đình.

“Đa phần lý do các bác sỹ xin nghỉ việc là do lương quá thấp. Bác sĩ mới ra trường làm ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có thu nhập một tháng cao lắm được 7 triệu đồng, trong khi các bệnh viện và phòng khám tư trả 15-20 triệu đồng/tháng”, ông Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai ngậm ngùi cho biết.

… và đội ngũ “tầm gửi”

Chính sách tiền lương “còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động” là thực trạng mà  Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã thẳng thắn chỉ ra.

Hệ quả của thực trạng này là đã xuất hiện “làn sóng” công chức trẻ có tài, có nhiệt huyết không chấp nhận sự hạn chế, bất cập đó, nên đã viết đơn xin nghỉ việc. Một bộ phận cán bộ, công chức chấp nhận ở lại thường là để “giữ suất”, “đi làm cho vui” hoặc làm theo kiểu “chân trong, chân ngoài” mà không thật sự đam mê, cống hiến, tận tụy trong công việc. Ngoài ra, không ít cán bộ, công chức, viên chức “tham nhũng” 8 giờ vàng ngọc hành chính để làm thêm, cải thiện thu nhập.

Hoàng Phong, 28 tuổi, tốt nghiệp thạc sỹ công nghệ thông tin ở Singapore, hiện là phó phòng ở một cơ quan bộ thỉnh thoảng lại “mất tích” và xuất hiện ở ca-bin các hội thảo công nghệ với vai trò… phiên dịch. Nghề “tay trái” này mang lại thu nhập còn cao hơn lương công chức hệ số 3,0 của Phong. “Ngoài đi phiên dịch, về nhà tôi còn nhận dịch thuật, hiệu đính tài liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp. Nếu trông chờ vào đồng lương công chức, thì không đủ để hai vợ chồng lo cho cuộc sống đắt đỏ ở Hà Nội”, Phong tâm sự.

Còn Trần Hoài Linh, cán bộ kế toán thuộc một cơ quan sở ở Hà Nội thì tham gia “đội quân bán hàng facebook”. Cô lấy hàng quần áo, giày dép của bạn đánh hàng Quảng Châu (Trung Quốc) về Hà Nội rồi mở shop trên facebook bán lại. Linh tận dụng thời gian rảnh trong giờ làm hoặc giờ nghỉ trưa để ship hàng. Màn hình máy tính của Linh ở cơ quan luôn sáng một ô cửa facebook để post ảnh quần áo, trả lời khách hàng, nhận đơn hàng…

“Đội quân công sở” bán hàng online gần như ở cơ quan, tổ chức nào cũng có, phần lớn là các nữ công chức. Còn các nam công chức thường nhận dạy thêm ngoại ngữ, lập dự án, chơi chứng khoán, tư vấn, làm báo cáo thuế, mở cửa hàng, dịch thuật, môi giới, buôn bán bất động sản, chạy grab, taxi…

Vậy nên, có câu chuyện Hoàng Dũng, công chức của một tổ chức chính trị - xã hội, do lương và phụ cấp “hẻo”, nên chạy Grab kiếm thêm vào ban đêm và 2 ngày cuối tuần. Có lần Dũng đón một gia đình, họ lên xe thì anh mới phát hiện đó là gia đình sếp đi đám cưới. Hai “thầy trò” nhìn nhau mà không biết phải nói gì.

 “Lương cơ sở của cán bộ công chức mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu sống tối thiểu”, ông Trần Văn Lý, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận xét.

Đó cũng chính là lý do khiến cán bộ, công chức phải đứng trước 2 lựa chọn: rời khỏi Nhà nước ra làm ngoài làm để có thu nhập cao hơn hoặc “tham nhũng thời gian” của Nhà nước để làm thêm, sống cuộc đời “tầm gửi” vào bộ máy nhà nước. Nhưng nguy hiểm hơn cả là nhiều công chức đã đồng ý nhận các kênh thu nhập phi chính thức và đây mới thực sự là “khối u ác tính” khiến công chức dễ tham nhũng vặt, sách nhiễu, quan liêu, cửa quyền...

Lương công chức được xem là công cụ hữu hiệu để tạo động lực cho cán bộ công chức chuyên tâm phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Vì vậy, cải cách tiền lương cho công chức là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng và đặt ra thường xuyên. Nhưng muốn tăng lương cho công chức, muốn thực hiện cải cách tiền lương, muốn “trả lương theo vị trí, năng lực”, thì ngoài vấn đề ngân sách, còn buộc phải tinh giản bộ máy đang quá cồng kềnh để tạo lập một đội ngũ công chức tinh nhuệ. Song đó là việc không hề đơn giản…

(Còn tiếp)

Tin liên quan
Tin khác