Bài 2: Mối lo thành tâm bệnh
Cùng với cảnh công chức “sống mòn” làm bộ máy hành chính trì trệ là sự phình to về số lượng biên chế khiến nền kinh tế “oằn vai” gánh đỡ. Thực trạng này kéo dài trở thành “tâm bệnh” của nền kinh tế khi chi cho bộ máy khổng lồ “ngốn” tới 2/3 nguồn thu.
Nghịch lý 1: Càng giảm biên chế, bộ máy càng phình to
“Anh đến Quảng Ninh tìm hiểu về đề án tinh giản biên chế có biết chuyện hai nhà có một cán bộ?”. Không dưới 3 lần tôi nhận được câu hỏi này trong chuyến đi thực tế Quảng Ninh mới đây. Câu chuyện trên nói lên thực trạng nhức nhối trước thời điểm tỉnh Quảng Ninh bắt tay vào thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy chính trị.
Chi trả tiền lương công chức đang trở thành gánh nặng cho Ngân sách nhà nước ra sao?. Đồ Hoạ: Thanh Huyền |
“Giữa năm 2014, khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, trong cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Ba Chẽ, ông Phạm Minh Chính, hiện là Trưởng Ban tổ chức Trung ương tỏ ra ngạc nhiên khi biết câu chuyện “hai nhà có một cán bộ” ở đây. Số là, xã miền núi Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ có 9 thôn, bản với 439 hộ gia đình, 1.926 nhân khẩu, nhưng số lượng cán bộ xã, thôn lên tới 227 người. Tính ra, cứ 2 hộ gia đình có 1 cán bộ phụ trách”, ông Trương Công Ngàn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh nhớ lại.
Cùng thời điểm đó, phường Quang Hanh (TP. Cẩm Phả) có hơn 12.000 dân, 24 cán bộ công chức và 17 người hoạt động chuyên trách, số người hoạt động không chuyên trách, hưởng các loại phụ cấp ở 17 khu phố là hơn 500 người.
Thực ra, theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách với cán bộ, công chức ở xã, phường, thì các xã, phường trên đã “vận dụng” tối đa định biên cán bộ cấp xã, thôn, nhưng xét về hiệu quả công việc thì bộ máy này quá cồng kềnh.
Nhưng Quảng Ninh không phải là trường hợp cá biệt. Số lượng biên chế cũng phình to tại các địa phương như Thanh Hóa, Bình Phước, Đồng Nai...
Trước khi các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tinh giản biên chế, đổi mới hệ thống chính trị được ban hành, chỉ trong vòng 5 năm, từ năm 2011 đến 2016, số cán bộ cơ sở hưởng lương từ ngân sách nhà nước tăng thêm gần 300.000 người, đạt gần 1,3 triệu người, mỗi năm nhận khoán phụ cấp hơn 32.400 tỷ đồng.
“Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố; chính sách tiền lương còn bất cập”, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng nêu rõ.
“Theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 - 150.000 người, nhưng thực tế đến nay đã tăng thêm 96.000 người. Trung ương bắt giảm, nhưng thực tế lại tăng biên chế. Đây là nghịch lý”, ông Phạm Minh Chính nói tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW cuối năm 2017.
Chưa bao giờ, Việt Nam “lạm phát” công chức, lãnh đạo như hiện nay. Đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã không ngừng tăng. Ở trung ương thì liên tục “đẻ” thêm các tổng cục, cục, vụ. Trung bình, cứ khoảng 30,5 người dân “nuôi 1 vị công chức” và cứ 5 công chức lại có một lãnh đạo cấp phó. “Có những cơ quan, số lái xe chiếm đến 17%, ngay ở Ban Tổ chức Trung ương là 13%. Có nhiều cơ quan đề nghị lái xe là công chức, thế thì bao giờ mới thay đổi, tinh giản biên chế được”, ông Phạm Minh Chính nói.
Mối lo về bộ máy biên chế phình to đã hiển hiện. Càng hô hào giảm biên chế, thì lượng biên chế càng tăng vọt. Đây thực sự trở thành nỗi lo lớn, là gánh nặng đối với quốc gia.
Nghịch lý 2: Đông nhưng thiếu tinh thông
Đầu tháng 7/2018, ông Nguyễn Hữu Quế, Bí thư huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai “vào vai” một người dân tới UBND xã Ia Pếch để “xin công chứng giấy tờ đất đai”. Ông mặc quần áo thường dân, gửi xe ngoài cổng rồi đi vào phòng làm việc thì bắt gặp một nhân viên đang gác chân lên bàn làm việc, ngửa người ra sau ngủ. Ông hỏi nhân viên bên cạnh: “Sao giờ làm việc lại ngủ như vậy?”. Vị công chức phụ trách địa chính - xây dựng xã là ông Nguyễn Cảnh Thắng chợt tỉnh giấc, trừng mắt quát: “Có việc gì?”. Chuyện như vậy không hiếm gặp ở nhiều địa phương.
Còn tình trạng bỏ việc đi lễ chùa, đi nhậu, dùng xe công làm việc riêng… thì dăm bữa, nửa tháng lại được đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không những hách dịch, cửa quyền, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc cho người dân.
Công chức cấp xã, phường, dù số lượng đông, nhưng chất lượng rất đáng lo ngại. Câu chuyện tỉnh Đồng Tháp tổ chức sát hạch hơn 1.200 công chức thuộc 5 chức danh trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính tại UBND các xã, phường cho ra kết quả bất ngờ là ví dụ điển hình nhất.
Cụ thể, tại TP. Sa Đéc, nơi có điều kiện thuận lợi hơn hẳn các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh, có tới 49% công chức không đạt yêu cầu. Lý do “trượt vỏ chuối” là trả lời sai câu hỏi cực kỳ đơn giản mà bất cứ công chức cấp xã, phường nào đều thực hành và buộc phải trải qua: “Theo quy định của Bộ Nội vụ thì dấu được đóng như thế nào?”.
Bộ máy cồng kềnh không chỉ kém hiệu quả trong điều hành công việc của nhiều cấp, nhất là ở các địa phương, mà còn gây bức xúc trong dư luận. Báo cáo mới đây của Ban Tổ chức Trung ương khẳng định: “Vẫn chưa khắc phục được tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị; chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chưa đạt được mục tiêu đề ra”.
Vấn đề đặt ra là, không chỉ hiệu quả của bộ máy chính trị không theo kịp yêu cầu đổi mới của đất nước, mà chuyện nhức nhối hàng ngày, hàng giờ là lấy ngân sách nào nuôi nổi bộ máy này. Đó chính là “tâm bệnh” mà cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để cùng xử lý.
Gánh nặng cho nền kinh tế
Bộ máy gần 4 triệu người hưởng lương và mang tính chất lương đang trở thành gánh nặng lớn cho đất nước. Năm 2017, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 1,23 triệu tỷ đồng, nhưng tổng chi ngân sách hết hơn 1,413 triệu tỷ đồng. Trong đó, chi thường xuyên hết 914.492 tỷ đồng, chủ yếu là chi trả lương, phụ cấp, hoạt động… cho bộ máy cán bộ.
Những năm gần đây, chi thường xuyên, tức là chi cho lương, cho hoạt động của bộ máy nhà nước đều chiếm trên 70% tổng thu. Nói cách khác là thu được 3 đồng thì tiêu 2 đồng cho hoạt động của bộ máy chính trị, 1 đồng ít ỏi còn lại để chi trả nợ vay và chi đầu tư.
Theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách (Bộ Tài chính), các khoản chi lương, hưu và các chế độ khác từ ngân sách nhà nước đang tính vào chi tiêu thường xuyên của Chính phủ chiếm khoảng 70% chi tiêu từ ngân sách hàng năm. Với tỷ lệ như thế thì không thể chi trả được hết cho các đối tượng, cũng như không có nguồn để Việt Nam hoàn thành sớm các chương trình mục tiêu quốc gia mang tính an sinh xã hội cao.
“Tâm bệnh” này của ngân sách khiến Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phải nói thẳng trong phiên thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước của Quốc hội giữa năm 2017: “Ngân sách nhà nước là đồng bộ và liên quan đến các ngành, liên quan đến các lĩnh vực. Bây giờ có cắt cái gì thì vẫn cắt, nhưng biên chế cứ phình ra, tổ chức cứ phình ra thì sẽ không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được”.
Theo TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, cơ cấu chi tiêu gây ra nhiều lo ngại bởi phần lớn nguồn thu đang phải dùng để “nuôi” bộ máy hoạt động cồng kềnh. Thực tế này đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, các kế hoạch tinh giản biên chế chưa cho thấy kết quả khả quan, khiến chi thường xuyên tăng đều qua các năm.
“Chi thường xuyên luôn ở mức cao trên 70% tổng chi, trong khi nguồn lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển đang có xu hướng bị thu hẹp lại. Nếu tiếp tục chi thường xuyên cao thế này thì quá nguy hiểm, bởi như vậy sẽ gây bất ổn vĩ mô và không còn tiền để đầu tư phát triển”, TS. Bùi Trinh cảnh báo.
Tinh giản biên chế và cải cách tiền lương là hai nhiệm vụ song song vô cùng bức thiết để đổi mới bộ máy chính trị. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp ngày 21/5/2018 cũng chỉ rõ: “Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội phải đi đôi với tinh giản biên chế trong khối hành chính và sự nghiệp công lập, trong đó tinh giản biên chế phải được thực hiện trước một bước.
Để hóa giải được “tâm bệnh” nêu trên, không còn cách nào khác là phải quyết tâm cắt cho được “khối u phình biên chế” gây nhức nhối lâu nay.
(Còn tiếp)