Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng. |
Với nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội vững chắc, Hải Phòng không chỉ vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh để phát triển, mà còn tích cực chuẩn bị những bước đệm mới để trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á. Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng xung quanh nội dung này.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, Hải Phòng vẫn giữ vững, không để bùng phát dịch bệnh, đảm bảo tăng trưởng kinh tế cũng như ổn định đời sống người dân. Điều này cho thấy, Hải Phòng hiện có môi trường kinh tế và xã hội rất ổn định, thưa ông?
Như nhiều địa phương khác trên cả nước, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, Hải Phòng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và của Thành ủy, HĐND, UBND, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, TP. Hải Phòng đã vững vàng “vượt bão”, tiếp tục phát triển ổn định, toàn diện, trở thành điểm sáng của cả nước trên nhiều lĩnh vực.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, Hải Phòng sẽ cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách một cách hợp lý để tiếp tục đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm, nhất là các khu đô thị dọc theo các dòng sông chảy qua nội đô, tạo thành các cảnh quan và công trình công cộng phúc lợi xã hội có giá trị văn hóa cao. Cơ bản hoàn thành các công trình, Dự án lớn trong quy hoạch phát triển không gian đô thị theo 3 hướng đột phá (Bắc sông Cấm, Cát Hải - Cát Bà, Đồ Sơn và ven sông Lạch Tray).
Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố, huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025 và huyện Kiến Thụy thành đơn vị hành chính quận trước năm 2030.
Năm 2020, TP. Hải Phòng đã hoàn thành 11/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, trong đó có một số chỉ tiêu hoàn thành mức cao như: GDP bình quân đầu người, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kim ngạch xuất khẩu... Riêng tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11,22%, cao hơn bình quân chung cả nước gần 4 lần và cao hơn rất nhiều so với 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Hải Phòng thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt chỉ đạo các địa phương, đơn vị trong thu và quản lý các khoản chi ngân sách, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm. Kết quả, Thành phố đạt số thu ngân sách nội địa trên 32.700 tỷ đồng trong năm 2020, bằng 106% dự toán pháp lệnh, tăng hơn 20% so với năm 2019.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng vẫn đạt mức cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác: tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng 13,52% so với cùng kỳ, gấp khoảng 2,4 lần bình quân chung cả nước.
Kết quả ấn tượng trên đã khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực sản xuất của kinh tế Hải Phòng. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thành phố năm 2020 tiếp tục thăng hạng và đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố với 69,27 điểm - thứ hạng và điểm số cao nhất đến thời điểm hiện tại của Thành phố.
Những chính sách phát triển kinh tế - xã hội luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ, dư luận tốt của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và đã được khẳng định bằng thành quả thực tế. Nhờ đó, Hải Phòng tạo nên thành công trong việc giữ được địa bàn an toàn, thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Nửa đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng đạt mức cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác. Ảnh: Hồng Phong |
Nghị quyết 45-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là kim chỉ nam cho mọi hoạt động và thành công của Hải Phòng. Vậy con đường đi của Hải Phòng từ nay đến hết 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, 2045 có những nét cơ bản gì?
Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định mục tiêu lớn nhất là đến năm 2045, Hải Phòng phải trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Trong khi đó, đến năm 2025, Hải Phòng phải cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đạt các tiêu chí đô thị loại I; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước, trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc; Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Hoàn thành việc di chuyển trung tâm chính trị hành chính thành phố sang phía Bắc sông Cấm; xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển. Cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Hoàn thành việc chuyển đổi 50% số huyện thành đơn vị hành chính quận. Chính quyền đô thị được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thành phố thông minh.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng đang triển khai trên địa bàn Thành phố. Đó là các dự án, công trình mới như mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cầu Nguyễn Trãi, cầu Vũ Yên II, cầu Bến Rừng, cầu Rào III, tuyến đường mới kết nối từ trung tâm thành phố đi Đồ Sơn, các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, các bến mới tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Tiếp tục đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương và cho triển khai Dự án Đường sắt tốc độ cao Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai. Phấn đấu đến năm 2025 có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên hoàn, xứng đáng là trung tâm giao thương quốc tế, là động lực phát triển kinh tế của cả nước.
Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hải Phòng lần thứ XVI, nhiều chính sách, quyết sách được ban hành đã tạo được tiếng vang và sự đồng thuận rất tốt trong nhân dân Thành phố. Đâu là những nội dung đáng chú ý, thưa ông?
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thành ủy Hải Phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo là công tác cán bộ. Những năm qua, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cơ bản đảm bảo số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kết luận số 09-KL/TU về tăng cường cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã; sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ TP. Hải Phòng nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thực hiện kết luận này, Hải Phòng sẽ bố trí mỗi quận, huyện một lãnh đạo trẻ dưới 35 tuổi; mỗi xã, phường có một phó chủ tịch UBND dưới 30 tuổi nhằm trẻ hóa công tác cán bộ. Mỗi quận, huyện bố trí 20 - 25% số xã, phường, thị trấn có cán bộ trẻ (dưới 30 tuổi) tăng cường về làm phó chủ tịch UBND.
Một lĩnh vực quan trọng được quan tâm chỉ đạo, đó là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, hạ tầng đô thị tiếp tục được Hải Phòng đầu tư chỉnh trang để nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân. Từ nay đến năm 2030, Thành phố sẽ đầu tư xây dựng hơn 100 cây cầu với tổng mức đầu tư hơn 83.000 tỷ đồng, trong đó xây 100 cầu vượt sông, 13 cầu cạn, 13 cầu trên đường vành đai.
Ðể cải thiện không gian sống của người dân, tạo kiến trúc, không gian cảnh quan đô thị, Hải Phòng đã triển khai xây dựng một số công viên cấp thành phố, cấp quận, phường. Trong năm 2021, Thành phố sẽ xây dựng 7 công viên quy mô khoảng 0,5 ha/công viên tại 7 quận và 10 công viên tại các thị trấn. Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu xây dựng mỗi phường một công viên cây xanh.
Trong năm 2021, Hải Phòng tập trung cải tạo hè phố đối với 6 tuyến đường trung tâm thành phố, bao gồm việc hạ ngầm toàn bộ phần cáp viễn thông và đường điện. Thành phố đang tiếp tục nghiên cứu, triển khai kế hoạch cải tạo, chỉnh trang hè đường với khoảng 300 tuyến đường trên địa bàn các quận với tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng sống của người dân cũng được Hải Phòng quan tâm bằng việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng chung cư mới thay thế các chung cư cũ. Phấn đấu hoàn thành chung cư HH1-HH2 Đồng Quốc Bình, đưa vào sử dụng trong quý I/2022. Tập trung công tác chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục để triển khai xây dựng khu chung cư Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền...
Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trong đó xác định đô thị Hải Phòng sẽ phát triển theo mô hình “đô thị đa trung tâm”, thay vì một trung tâm và các đô thị vệ tinh như trước đây. Đồng thời, 3 con sông Cấm, Lạch Tray và Văn Úc được coi là điểm tựa mở ra các dải cảnh quan kiến trúc và sinh thái của Thành phố để phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao điều kiện, chất lượng môi trường sống của người dân Thành phố.