Thời sự
Hải Phòng đang bứt phá ngoạn mục
Thanh Sơn - 11/05/2024 14:31
Năm 2024 được xác định là năm bản lề để Hải Phòng tăng tốc, bứt phá nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Hải Phòng giờ là điểm xuất phát của những con tàu vượt Thái Bình Dương sang tận bờ Tây nước Mỹ.  Ảnh: Thanh Tân

Kết quả ấn tượng

Năm 2023 cho thấy, rất nhiều yếu tố khách quan tác động đến đời sống kinh tế, xã hội của TP. Hải Phòng. Nhưng với tư duy sáng tạo, giải pháp hiệu quả, hành động quyết liệt, phát huy sức mạnh đoàn kết, cùng với nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân, Hải Phòng đã hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định, đây là năm thứ 9 liên tiếp, Hải Phòng đạt mức tăng trưởng 2 con số, thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế, tiếp tục khẳng định những thành tựu nổi bật của Thành phố đạt được, nâng cao vị thế, uy tín của Hải Phòng ở trong nước và quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng đạt mức khá cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Thành phố xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 xếp vị trí thứ 2/63; Chỉ số Hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2023 xếp thứ 5/63. Đáng chú ý, với Chỉ số Hài lòng về việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách năm 2023, Hải Phòng xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố cả nước.

Bên cạnh đó, Hải Phòng còn ghi dấu ấn đậm nét trong công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đạt 3,5 tỷ USD, gấp 1,75 lần so với kế hoạch, gấp 1,4 lần so với thực hiện năm 2022. Con số này đã đưa kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Thành phố đến gần hơn với đích mục tiêu của nhiệm kỳ là 12 tỷ USD. Đây được coi là con số “kỷ lục” của thành phố cảng từ trước tới nay. Điều này càng chứng minh quan điểm, chủ trương của Thành phố trong thu hút đầu tư là đúng hướng, đúng cách, cũng như sự linh hoạt, đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài và hiệu quả cao của hoạt động cải thiện môi trường đầu tư.

Có thể nói, việc thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao cho thấy, Hải Phòng đang quyết tâm hiện thực hoá mục tiêu trở thành địa phương đi đầu cả nước theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bởi vậy, Hải Phòng luôn sẵn sàng chào đón, nỗ lực “xây ổ đón đại bàng”, nhằm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng mạnh hơn nữa, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hoá Thành phố và đất nước.

Với Hải Phòng, tăng trưởng kinh tế luôn hài hòa với tăng mức sống của người dân và Hải Phòng đã thực hiện rất tốt mục tiêu đó. Hơn 2 triệu người dân Hải Phòng đang có cuộc sống ổn định về thu nhập, việc làm, mức sống ngày càng được nâng lên. Các gia đình chính sách, người có công, các hộ nghèo, những người yếu thế... luôn được Thành phố quan tâm, chăm lo chu đáo.

Điều này không chỉ được thể hiện trong các báo cáo, tại các hội nghị, mà đó là sự ghi nhận, biết ơn của những người dân bình thường nhất. Chị Trần Nhật Anh, sinh sống tại quận Ngô Quyền chia sẻ: “Người dân Hải Phòng đều cảm nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, phố phường Hải Phòng ngày càng khang trang, sạch đẹp và rộng mở hơn qua từng năm...”.

Quả thật, với những người xa Hải Phòng vài năm thôi sẽ rất ngỡ ngàng trước sự đổi thay của thành phố cảng. Đô thị Hải Phòng nhỏ bé xưa kia nay đã rộng dài, rực sáng, vươn sang bờ phía Bắc sông Cấm, vươn về phía Cát Hải, Dương Kinh, Đồ Sơn... Tất cả các xã ngoại thành của Hải Phòng đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Điều phấn khởi hơn cả là kinh tế vẫn trên đà đi lên, Thành phố có thêm nguồn lực đáng kể để đầu tư phát triển. Ngay từ đầu năm 2024, các công trường thuộc các dự án trọng điểm đều hết sức sôi động, tấp nập, khẩn trương và tiến dần về đích. Có thể thấy các đại dự án tiêu biểu như Trung tâm Chính trị - Hành chính; Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn Bắc sông Cấm; cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân; cầu vượt nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5... Một số dự án đầu tư ngoài ngân sách cũng có tiến độ khá nhanh, như các bến cảng số 3, 4, 5, 6 Lạch Huyện; các dự án nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên, Tràng Duệ, Tràng Cát...

Năm 2024 được Hải Phòng xác định là năm bứt phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của Thành phố.

- Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng

Cũng rất đáng ghi nhận khi Quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được triển khai nhanh. Đây là cơ sở cần thiết, quan trọng cho việc triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch quận, huyện, nhất là các nhiệm vụ liên quan đến nâng cấp đô thị Thủy Nguyên lên thành phố, huyện An Dương lên quận. Đồng thời, tháo gỡ vướng mắc với dự án công nghiệp, đô thị lớn đã có nhà đầu tư; thu hút đầu tư dự án mới, tạo động lực cho Thành phố phát triển.

Đặc biệt, Thành phố đã tích cực triển khai vận động các tổ chức quốc tế đề cử Quần đảo Cát Bà - Vịnh Hạ Long và chính thức được UNESCO ghi nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây thực sự là “cú hích” để du lịch Hải Phòng thu hút khách du lịch quốc tế, trở thành điểm đến lý tưởng trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Các hoạt động đối ngoại của Thành phố đã được triển khai đa dạng, phong phú. Thành phố đã tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, do lãnh đạo Thành phố trực tiếp tham gia và thực hiện các hoạt động quảng bá môi trường đầu tư của Hải Phòng tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Qua đó, tiếp tục củng cố, mở ra mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Thành phố với các đối tác chiến lược trong bối cảnh mới và đã đạt được nhiều Biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư giữa lãnh đạo Thành phố và các tập đoàn lớn.

Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, Hải Phòng còn đầu tư thích đáng cho các lĩnh vực văn hóa, xã hội. HĐND Thành phố thông qua nhiều nghị quyết về giáo dục và y tế, tiêu biểu như Nghị quyết về hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ nhân lực ngành y tế TP. Hải Phòng giai đoạn 2024 - 2030; mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, trong đó lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế được coi trọng hàng đầu.

Tăng tốc, bứt phá

Năm nay, Hải Phòng sẽ mở rộng không gian kinh tế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Thành phố sẽ đẩy mạnh giải phóng mặt bằng và đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm tại các khu, cụm công nghiệp, như Khu công nghiệp Tiên Thanh, Khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu.

Thành phố sẽ cùng với các cơ quan chức năng chủ động hơn nữa trong hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, quy hoạch để sớm thành lập các khu công nghiệp mới tại Nam Tràng Cát, Thủy Nguyên, Tràng Duệ giai đoạn III, Giang Biên 2. Thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistics mới theo quy hoạch, khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các bến container 3, 4, 5, 6 và khởi công xây dựng bến container 7 và 8 tại Lạch Huyện.

Hải Phòng cũng sẽ chủ động phối hợp cùng Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối Cảng cửa ngõ quốc tế với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn. Đồng thời, khai thác, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ dự án hạ tầng du lịch tại Cát Hải như tuyến cáp treo Phù Long - Cát Bà; sân golf Xuân Đám, khu bến tàu và các công trình phục vụ du lịch tại Cái Bèo.

Có thể thấy, những năm qua, động lực tăng trưởng chính của Thành phố là Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, song hiện lấp đầy gần 80%. Do đó, Hải Phòng cần khai thông động lực tăng trưởng mới, bảo đảm cho tương lai phát triển của Thành phố trong 10, 15, 20 năm tới. Chính vậy, việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam, trong đó có việc thành lập Khu thương mại tự do, phát triển cảng Nam Đồ Sơn và Sân bay Tiên Lãng là rất cấp thiết. Theo đó, Thành phố phấn đấu trình Trung ương trong tháng 5 này cũng như cơ bản hoàn thành nhiệm vụ thành lập khu kinh tế trong năm 2024.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố gần đây rằng, những kết quả đạt được năm 2023 đã khẳng định tính đúng đắn, vượt trội trong những chủ trương, quyết sách và sự lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả cũng cho thấy tầm nhìn, sự quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, cùng các cấp ủy đảng của Đảng bộ Thành phố trong xây dựng và thực hiện nghị quyết; đậm nét tư duy và hành động đổi mới; xứng tầm vị thế và sự phát triển bứt phá của Hải Phòng. Chắc chắn, mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI sẽ đạt được. Hải Phòng vẫn vững vàng, tự tin bước tới tương lai tươi đẹp hơn.

Tin liên quan
Tin khác