Đây là khẳng định của ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng trong buổi làm việc với các sở, ngành về đề án chỉnh trang đô thị thành phố Hải Phòng giai đoạn năm 2021 - 2025.
Trong 5 năm gần đây, thành phố đã tập trung chỉ đạo việc tăng cường quỹ đất công viên cây xanh trong khu vực nội đô. Bằng các giải pháp đồng bộ, thành phố di dời nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, các khu lấn chiếm, xuống cấp, chung cư cũ đến khu vực mới để dành quỹ đất xây dựng công viên cây xanh, vườn hoa như: Công viên Tam Bạc, Vườn hoa Tố Hữu, Vườn hoa Kim Đồng, khuôn viên chung cư HH3-HH4 Đồng Quốc Bình; khuôn viên Cung Văn hóa Thanh niên, Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt – Tiệp, Cung Văn hóa Thiếu nhi; khuôn viên công viên hồ An Biên... Cùng với đó, nhiều dự án đô thị mới theo hướng sinh thái được triển khai góp phần tăng mảng xanh cho đô thị trung tâm thành phố.
Công viên cây xanh Máy Tơ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Ảnh: TA |
Năm 2021, TP.Hải Phòng lấy chủ đề “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”. Một trong những nhiệm vụ của chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị là xây dựng hệ thống công viên, cây xanh. Để đạt được những mục tiêu trên đòi hỏi các sở, ngành, địa phương cần triển khai ngay nhiều nội dung công việc và có tính toán cụ thể. TP.Hải Phòng sẽ ưu tiên, tập trung nguồn lực dành cho việc xây dựng, mở rộng công viên canh xanh, phục vụ chỉnh trang đô thị trong nhiệm kỳ này.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Sở Xây dựng Hải Phòng đã báo cáo về quy hoạch hệ thống công viên cây xanh. Theo đó, tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn 7 quận của thành phố mới chỉ có 1.204,5 ha đất cây xanh công viên được thực hiện theo quy hoạch, đạt 5,5 m2/người (thấp hơn nhiều chỉ tiêu đô thị loại 1, đô thị loại đặc biệt 10 - 15 m2/người). Theo Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phân khu các quận, tổng diện tích đất cây xanh đô thị là 5.128,8 ha, trong đó công viên cây xanh cấp thành phố (trên 10 ha) là 3.563 ha, còn lại 1.565,7 ha là đất cây xanh cấp quận và đơn vị ở.
Bên cạnh đó, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, về quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng đã đề xuất Đề án chỉnh trang đô thị giai đoạn 2021 - 2025, trong năm 2021 thí điểm xây dựng 7 công viên, với quy mô khoảng 1 ha/công viên trên địa bàn 7 quận và 10 công viên tại các thị trấn trên địa bàn các huyện; đến năm 2025 sẽ bổ sung khoảng 1.673 ha đất công viên cây xanh trên địa bàn thành phố.
Sở cũng đề xuất giải pháp trước mắt cần đẩy nhanh việc cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, di dời cảng, nhà máy, kho tàng, bến bãi, cơ sở sản xuất ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch, mặt bằng các chung cư cũ, ưu tiên dành cho giao thông, cây xanh và công trình phúc lợi công cộng. Bảo vệ quỹ đất công viên, cây xanh, mặt nước hiện có; nghiêm cấm việc điều chỉnh, sử dụng quỹ đất quy hoạch cây xanh vào mục đích khác. Khuyến khích xây dựng nhà cao tầng ở các khu đô thị mới nhằm tăng cường diện tích đất cây xanh và đất xây dựng giao thông.
Qua nghe ý kiến của các sở, ngành, ông Thành chỉ rõ, bên cạnh các công viên lớn do thành phố làm chủ đầu tư, các địa phương cần xây dựng các công viên vừa và nhỏ trong khu dân cư theo đúng quy chuẩn, quy định của Bộ Xây dựng đề ra. Mỗi khu dân cư khoảng 20.000 dân cần phải có 1 công viên, khu công cộng phục vụ cho người dân sinh hoạt.
Việc xây dựng công viên phải ở vị trí đông dân cư để tạo thuận lợi cho người dân, tùy quỹ đất của mỗi địa phương để xây dựng công viên phù hợp. Diện tích xây dựng công viên trước hết là ưu tiên quỹ đất trống, đất doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, khu dân cư xuống cấp. Đồng thời, ông Thành đề nghị các quận cần xuống thực địa, khảo sát, lập Đề án xây dựng công viên cây xanh ở từng phường, có tính toán cụ thể vị trí phù hợp, tạo thuận lợi tối đa cho việc đi lại của người dân xung quanh tới công viên.