Theo đó, Dự án xây dựng Chính quyền số Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 sẽ do Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư với kinh phí thực hiện hơn 308 tỷ đồng bằng vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác. Quy mô đầu tư của dự án là xây dựng Trung tâm dữ liệu, hình thành nền tảng điện toán đám mây dùng chung của các cơ quan nhà nước toàn Thành phố; Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung Thành phố, Cổng dịch vụ dữ liệu mở của Thành phố; Xây dựng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP) Thành phố; Xây dựng dịch vụ xác thực và định danh điện tử người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; Xây dựng ứng dụng HaiphongEgovApp đa nền tảng phục vụ điều hành, quản lý tổng thể của chính quyền; Xây dựng các ứng dụng trên nhiều nền tảng số để cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp (ứng dụng di động, website, zalo, facebook...); Xây dựng hệ thống giám sát, kiểm tra, đánh giá chính quyền số...
HĐND TP.Hải Phòng khóa XVI họp kỳ họp thứ 3. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Hải Phòng |
Dự án sẽ nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính đồng bộ trong tổng thể Chính quyền số của thành phố; triển khai các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Từ đó, đáp ứng yêu cầu lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế-xã hội từ các nguồn khác nhau để tạo ra các thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính quyền số. Ngoài ra, còn cung cấp dịch vụ dùng chung người dân và tổ chức, giúp công dân, tổ chức quản lý, lưu trú dữ liệu điện tử của mình, cung cấp chia sẻ với các cơ quan nhà nước. Hạn chế việc sử dụng văn bản giấy và cung cấp lặp lại thông tin cho các cơ quan nhà nước khi thực hiện các giao dịch trực tuyến.
Việc xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ dùng chung Chính quyền số thành phố Hải Phòng là hạt nhân, nền móng xây dựng và phát triển Chính quyền số nói riêng và dẫn dắt Chuyển đổi số nói chung. Thay đổi đột phá xếp hạng Chính quyền số thành phố để Hải Phòng lọt top tỉnh, thành dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số.
Một số chỉ tiêu nổi bật của dự án là: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% người dân và doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và thông suốt, hợp nhất trên tất cả hệ thống của các cấp chính quyền từ TW đến địa phương; 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính quyền số, kinh tế xã hội số.
Cũng tại kỳ họp này, HĐND TP.Hải Phòng đã thông qua chính sách đặc thù trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 dự kiến là 1.074 tỷ đồng từ nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách và nguồn cải cách tiền lương ngân sách thành phố. Cụ thể, người được UBND Thành phố huy động làm nhiệm vụ tại các trạm/chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cửa ngõ ra vào thành phố được bồi dưỡng 75.000 đồng/người/ngày, đối với người đang hưởng lương ngân sách Nhà nước và 150.000 đồng/người/ngày, đối với người không hưởng lương ngân sách; hỗ trợ tiền ăn với mức 80.000 đồng/người/ngày.
Thành viên các tổ kiểm tra liên ngành, tổ tuần tra xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống dịch Covid-19, thành viên các tổ, chốt cộng đồng, các trạm/chốt tại các khu vực cách ly, phong tỏa.... được hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày. Nghị quyết cũng quy định chính sách hỗ trợ chi phí xét nghiệm diện rộng sàng lọc SARS-CoV-2; chính sách hỗ trợ thực hiện hỏa táng và hỗ trợ chi phí lưu trú trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Về nguồn lực phòng chống dịch, trong năm 2020, tổng kinh phí phân bổ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 là hơn 720 tỷ đồng; năm 2021 (tính đến ngày 31/10/2021) là hơn 843 tỷ đồng.