Theo đó, Hà Nội là địa phương có điểm số cao nhất, đạt 62,86 điểm, xếp hạng 1, các vị trí tiếp theo là TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... Các tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương 2023 đều có điểm vượt trội về sáng chế, số lượng doanh nghiệp cùng các tác động kinh tế - xã hội.
Cũng theo kết quả, TP. Hải Phòng với PII đạt 52,32 điểm, xếp thứ 3 cả nước. Trong đó điểm đầu vào đổi mới sáng tạo đạt 56,45 điểm và điểm đầu ra đổi mới sáng tạo đạt 48,20 điểm.
TP. Hải Phòng với PII đạt 52,32 điểm, xếp thứ 3 cả nước. Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ |
Cụ thể, điểm nhấn là Hải Phòng xếp hạng thể chế đứng thứ hai cả nước, trong đó dẫn đầu về chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Địa phương này còn có điểm mạnh về tỷ lệ học sinh trung học tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, cải cách hành chính và các chỉ số phát triển con người.
Hải Phòng cũng được đánh giá cao về cải cách hành chính, vốn lao động. Giáo dục, khoa học công nghệ là những lĩnh vực được nhà chức trách mạnh tay chi đầu tư, phát triển. Để đáp ứng nguồn nhân lực, với 1,2 triệu lao động, lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng cho hay kinh nghiệm của Thành phố là đào tạo theo nhu cầu của nhà đầu tư, và sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế.
Loạt chính sách về sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và gắn kết số này với doanh nghiệp; mở rộng danh mục đào tạo các ngành trọng điểm (điện - điện tử, cơ khí, đóng tàu, hàng hải, logistics)... được giới chức đưa ra, tập trung đẩy mạnh.
Nhờ chuyển biến này, năm ngoái, tỷ trọng đóng góp năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt hơn 43%, tăng 10% so với hồi 2015. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị cũng cao hơn gần 5% so với 10 năm trước. GRDP của Hải Phòng hiện gần 17 tỷ USD, gấp 4 lần thời điểm 2015, và đứng thứ 5 trên 53 địa phương.
Hải Phòng xếp thứ 3 về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023. Ảnh: Hồng Phong |
Chỉ số PII cũng chỉ ra, Hải Phòng, ghi dấu với các yếu tố như thể chế, chất lượng nhân lực, nghiên cứu, trình độ phát triển của thị trường.
Bên cạnh đó, chỉ số PII cũng chỉ ra điểm yếu của Hải Phòng đó là số bằng sáng chế ít, trích dẫn quốc tế thấp. Các doanh nghiệp chưa nắm vững và sáng tạo công nghệ cốt lõi. Thành phố cũng chưa có cụm công nghệ cao và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp xứng tầm. Do đó, tới đây, chiến lược của Thành phố Cảng là nâng cao chất lượng nhân lực nghiên cứu và phát triển; xây dựng thương hiệu, cụm công nghiệp công nghệ cao và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp.
Bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương là công cụ phản ánh mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương trên cả nước, đồng thời góp phần cải thiện năng lực, kết quả đổi mới sáng tạo cấp quốc gia.
Nguồn dữ liệu để xây dựng bộ chỉ số PII 2023 được thu thập dựa trên số liệu từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lý chính thức của các cơ quan Trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác gồm: Cải cách hành chính, Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chuyển đổi số, Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Bộ chỉ số PII. Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ |
Bộ chỉ số PII năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột (theo nguyên lý của bộ chỉ số GII), gồm có 05 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), bao gồm: (1) Thể chế, (2) Vốn con người và Nghiên cứu và Phát triển, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Trình độ phát triển của thị trường và (5) Trình độ phát triển của doanh nghiệp; - 02 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KH,CN&ĐMST vào phát triển kinh tế - xã hội bao gồm: (6) Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, (7) Tác động.
Với mỗi địa phương, kết quả đánh giá, xếp hạng của từng chỉ số, nhóm chỉ số và trụ cột được trình bày trong một bảng thông tin tổng hợp. Đồng thời, 5 điểm mạnh và 5 điểm yếu của mỗi địa phương cũng được chỉ rõ.
Theo Bộ Khoa học và công nghệ, với phạm vi rộng, toàn diện, bộ chỉ số PII sẽ là công cụ để mỗi tỉnh, thành phố soi chiếu được chi tiết góc độ ở các khía cạnh đầu ra, đầu vào. Trên cơ sở các thông tin này, địa phương có thể nhận diện được những vấn đề cần chú trọng để từ đó có chỉ đạo, điều hành trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo của địa phương và của quốc gia.