Hải quan Hà Nội và doanh nghiệp đối thoại để xử lý các vấn đề liên quan đến hàng hóa tồn đọng |
Theo Cục Hải quan Hà Nội, việc xử lý hàng tồn đọng hiện được thực hiện theo Thông tư 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính.
Theo đó, hàng tồn đọng thuộc đối tượng giám sát hải quan được lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi… (thường được gọi nôm na là hàng vô chủ) là những lô hàng mà chủ hàng tuyên bố từ bỏ hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏ.
Việc xác định hàng vô chủ còn có một số tiêu chí khác, nhưng quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người nhận, hàng do doanh nghiệp kho bãi thu gom trong quá trình xếp dỡ, hàng ngoài bản khai hàng hóa nhưng không có người nhận.
Những lô hàng vô chủ tại địa bàn hải quan không chỉ xảy ra tại Hà Nội mà đang diễn ra nhiều cửa khẩu, cảng biển trên cả nước.
Chẳng hạn, theo Cục Hàng hải Việt Nam, tại các cảng biển Việt Nam hiện còn tồn đọng khoảng 5.450 container và 1.323 kiện hàng vô chủ. Trong đó, cảng Hải Phòng có khoảng 4.800 container, cảng Đà Nẵng 99 container, cảng Sài Gòn có 177 container và 1.323 kiện hàng…
Trong đó, tại cảng Hải Phòng có những container đã tồn đọng từ 5 - 10 năm nay. Mặt hàng tồn đọng chủ yếu gồm phế liệu, hàng điện tử đã qua sử dụng, thiết bị điện đã qua sử dụng, caosu, quần áo đã qua sử dụng...
Hà Nội tuy không phải là địa phương có lượng hàng hóa tồn đọng lớn, nhưng tại cuộc đối thoại hải quan – doanh nghiệp do Cục Hải quan Hà Nội vừa tổ chức, các doanh nghiệp cũng đã phản ảnh một số vướng mắc và được cơ quan hải quan tiếp thu, xử lý.
Chẳng hạn, theo đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Hàng hóa Nội Bài, có mặt hàng tươi sống cần xử lý nhanh. Tuy nhiên, theo quy định cần phải thực hiện các thủ tục báo cáo Chi cục Hải quan Nội Bài, sau đó lại báo cáo tiếp lên Cục. Việc báo cáo này có thể kéo dài thời gian, trong khi hàng tươi sống có thể chỉ để vài ngày là hư hỏng, mất giá trị sử dụng.
Trước vấn đề này, ông Trần Thanh Bình, Phó Phòng Giám sát Quản lý thuộc Cục Hải quan Hà Nội cho biết, với những mặt hàng có thời hạn sử dụng, doanh nghiệp có thể báo cáo ngay với Chi cục mà không cần chờ kỳ báo cáo như các mặt hàng khác. Ngoài ra, Cục Hải quan Hà Nội luôn bố trí cán bộ túc trực để xử lý các trường hợp cần xử lý gấp, theo đó, có những trường hợp có thể xử lý ngay trong ngày nếu cần thiết.
Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Long, đại diện Công ty Chuyển phát nhanh DHL Nội Bài cũng nếu vấn đề liên quan đến việc xử lý hàng tồn đọng. Theo ông Long, có nhiều trường hợp chủ hàng không thiện chí trong việc xác định việc nhận hàng hay không nên thực tế có những vướng mắc trong khâu xác định hàng vô chủ.
Một số những vướng mắc khác có thể gây khó cho cả cơ quan hải quan, chẳng hạn có những lô hàng lớn, việc quy định thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa quá ngắn cũng sẽ rất khó thực hiện trên thực tế.